Hình tượng rắn trong Phật giáo tại Đồng Nai
Phật giáo Đồng Nai hiện có hơn 700 tự viện. Trong số này có nhiều ngôi chùa mà phật cảnh là các loài động vật gắn liền với cuộc đời đức Phật từ lúc ra đời đến khi nhập niết bàn, phổ biến nhất là hình ảnh rắn thần che chở mưa gió cho đức Phật trong rừng sâu khi tu tập và giác ngộ.
Điều này lý giải việc hình ảnh và những câu chuyện về rắn gắn liền với Phật giáo thế giới, trong đó có Phật giáo Đồng Nai.
Rắn thần che chở Đức Phật
Theo thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, căn cứ kinh sách Phật giáo và câu chuyện được các nhà tu hành Phật giáo truyền đạt, sau khi giác ngộ dưới cội bồ đề, đức Phật tiếp tục thiền định trong rừng Uruvela. Theo chuyện kể, lúc bấy giờ, trời đổ mưa lớn liên tục suốt 7 ngày 7 đêm. Rắn thần sống trong khu rừng đã chứng kiến đức Phật ngồi thiền bất động giữa cơn mưa tầm tã và liền cuộn tròn thân làm tòa ngồi vững chắc cho đức Phật, riêng 7 đầu rắn xòe ra che mưa gió cho đức Phật. Sau khi mưa tạnh, rắn thần hạ thân xuống, hóa thành một chàng trai và chắp tay cung kính hành lễ với đức Phật rồi lui về hang động của mình.
Phật giáo Đồng Nai hiện có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai và 11 ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện cùng hơn 700 tự viện, hơn 7 ngàn chức sắc, tu sĩ cùng trên 1 triệu phật tử. |
Cũng theo thượng tọa Thích Huệ Khai, chính vì điều này và nhiều lần hiện thân nữa của rắn thần trong quá trình đức Phật tại thế và cả khi đã nhập niết bàn mà trong Phật giáo, hình tượng rắn được thể hiện nhiều tại các chùa trên tranh, tượng.
Hiện tùy thuộc vào từng tự viện mà các chùa có cách thể hiện phật cảnh này khác nhau nhưng hình ảnh thường dễ nhận thấy tại nhiều chùa tại Đồng Nai là đức Phật ngồi thiền định dưới cội bồ đề, như tại chùa Đại Giác (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa), chùa Huệ Viễn (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất)… Ngoài ra, có nhiều tự viện vừa có phật cảnh đức Phật ngồi thiền định dưới cội bồ đề, vừa có phật cảnh rắn thần che mưa bão cho đức Phật.
Bên cạnh đó, trước đây các ngôi chùa mới lập thường tọa lạc nơi hoang vu, rừng rậm với nhiều thú dữ, trong đó có rắn với kích thước lớn. Cũng vì vậy, nhiều ngôi chùa tại Đồng Nai gắn liền với câu chuyện về các loài thú dữ, trong đó có rắn. Do đó, không ít nơi có bàn thờ riêng đối với linh vật của năm 2025.
Những ngôi chùa có hình tượng rắn tại Đồng Nai
Tại tịnh xá Ngọc Uyển (phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) trong quần thể phật cảnh tại đây có tượng rắn thần 7 đầu. Phật cảnh này được xây dựng bằng bê tông với hình ảnh rắn 7 đầu có sừng và râu dài, thân quấn từ dưới bệ tượng và phần đầu vươn xòe ra che chở tượng Phật đang ngồi thiền.
Theo đại đức Pháp Đạo, trụ trì chùa Pháp Trụ (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú), năm 2009 chùa được Nhà nước công nhận là cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Các phật cảnh được tôn trí theo dạng non bộ, rồng phượng theo phong cách Việt Nam nên có nét đặc trưng, không giống như những chùa khác. Hiện chùa Pháp Trụ được công nhận là một trong 120 ngôi chùa văn hóa Phật giáo tỉnh Đồng Nai.
Đôi rắn bằng chất liệu đá trong chính điện của chùa Hiển Lâm (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) được phật tử giữ gìn cẩn thận. Ảnh: S.Thao |
Trong quần thể phật cảnh tại chùa Pháp Trụ có phật cảnh tái hiện hình ảnh rắn thần che chở gió mưa cho đức Phật lúc tu đạo. Nhưng tạo hình rắn thần 7 đầu ở chùa này theo hình thức tả thực khi không sừng và không có râu. Thay vào đó là hình ảnh đức Phật ngồi thiền trên bàn tọa, phía trên rắn thần 7 đầu phùng mang như chiếc dù che mưa gió cho Phật đang ngồi bên dưới.
Bà Mai Thanh Thúy (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) cho hay, bà thường xuyên đến chùa Pháp Trụ để dâng hương và tham quan cảnh chùa. Cảnh quan của chùa rất đẹp và độc đáo với nhiều phật cảnh.
Còn tại chùa Hiển Lâm (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) có trưng bày cặp rắn bằng chất liệu đá với kích thước khá lớn trong chính điện của chùa.
Theo thượng tọa Thích Huệ Ninh, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Hiển Lâm, chùa được tạo dựng cách đây đã hơn 100 năm. Trước đây, chùa nằm ở nơi rừng rậm heo hút với đầy thú hoang, như: cọp dữ, rắn có kích thước lớn… từng hại nhiều người, bắt gia súc khiến dân làng khiếp sợ. Mỗi năm, chùa là nơi tìm đến của đông đảo người dân với mong muốn hướng Phật, tìm bình an cho mình và gia đình.
Sông Thao