Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Hoàng – Người say mê vẽ tranh Phật

Nguyễn Xuân Hoàng là gương mặt nổi bật của thế hệ nghệ sĩ đương đại 8X. Trong triển lãm “Sáng đời trong Đạo” vừa diễn ra tại Hà Nội, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Hoàng đã mang tới tác phẩm mới về hình ảnh Đức Phật, dựa trên nguyên lý "tạo hình phối cảnh ngược", nguyên lý này đã theo anh qua hành trình dài trên con đường nghệ thuật.

Đó cũng là cách để anh khám phá dần chiều sâu của tâm thức chính mình. Không có giới hạn hay điểm dừng trong hành trình khám phá này. Linh hồn hay những hiện tượng huyền bí là biểu hiện của sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ…

Cơ duyên để họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng bắt đầu đến với đạo Phật là từ mẹ của anh. Thuở ấu thơ, Hoàng thường đi lễ chùa cùng mẹ và rất thích ngắm nghía các bức tượng Phật. Trưởng thành hơn, anh đọc các sách về đạo Phật, rảnh rỗi, lại ưa thích tìm hiểu thêm về các nhà huyền môn khác theo cách vớ được gì đọc nấy, biết khá nhiều nhưng cũng quên khá nhanh, để rồi trong tâm thức, thành những cảm nhận chung chung, từ đó tự suy luận, thực hành, trải nghiệm theo cách mà bản thân thấy phù hợp với mức độ hiểu biết hiện tại lúc đó.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng chọn con đường Phật pháp bằng việc thực hành.

“Bắt đầu thì cũng loạn lắm”, Hoàng cười kể lại. “Vì tính tôi vốn tò mò, thích khám phá nên đọc nhiều và thử thực hành theo nhiều phương pháp khác nhau đều tìm hiểu, biết qua và thực hành. Bên trong đầy huyễn, tưởng giống như những người mới thực hành khác, thần kinh căng thẳng đủ mức độ trạng thái.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ, anh chưa thực sự tu tập ở một chùa nào, tất cả chỉ là qua những bài giảng trên mạng, nhưng anh tin rằng sau tất cả những thực hành và hiểu biết nhiều, rộng dù không sâu trước đó cũng giúp anh có thể nhận ra một vị chân như. Sai lầm nhiều, chăm chỉ thực hành thì sẽ ít sai hơn. Việc tu tập chính là như vậy. Không phải ai cũng may mắn ngay từ đầu đã gặp được một vị thầy tốt, tùy vào căn cơ cũng như nghiệp của mỗi người mà phù hợp với một vị thầy nào đó. Sự lĩnh hội cũng thay đổi theo từng giai đoạn, như hành trình làm nghệ thuật vậy. Cuộc sống là những thử thách mà mỗi người cần vượt qua, không ai giống ai. Quan trọng là mình tin rằng mỗi nếm trải là để cuộc sống thêm thi vị, và liệu rằng ta có thể vẫn luôn giữ được cho mình một tấm lòng lương thiện.

  

Với Nguyễn Xuân Hoàng, sự biến chuyển tâm thay đổi từ từ theo thời gian, anh không vội vàng để mong thấy điều gì cụ thể, cũng tựa trong hội họa, Hoàng chậm rãi từng bước từng bước, để mọi thứ đến tự nhiên. Dần dần, anh nhận ra mình bắt đầu kiểm soát tâm trí bản thân tốt hơn, không còn muốn kiểm soát người khác nhiều như trước. Biết những gì không thuộc về mình thì chấp nhận buông bỏ và không can thiệp sâu. Tất cả những đúng sai, tốt xấu xảy đến coi như là phương tiện để nhìn lại xem tâm mình phản ứng với điều đó như thế nào. Giảm lo lắng, sợ hãi và lưu luyến nhiều hơn so với trước đây.

Từ sự chuyển tâm, họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng vẽ những bức tranh Phật hoàn toàn mới và khác biệt. “Có lẽ sự khác biệt đến với tôi một cách tự nhiên, chứ tôi không đặt tiêu chí gì quá cụ thể”. Hoàng tâm sự. “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ: đạo là con đường ngược, đời là ý, muốn, cầu, còn đạo là ly, xả, buông. Ý tưởng về dòng tranh “phối cảnh ngược” mà tôi nghiên cứu trước đây cũng là một cách nhìn ngược với góc nhìn thông thường, nên tôi nghĩ tại sao không vẽ tranh Phật giáo theo phương pháp đó. Vậy là dòng tranh “Phật – tạo hình phối cảnh ngược” ra đời”.

Vì nhìn theo phối cảnh ngược nên về mặt tạo hình, những bức tranh Nguyễn Xuân Hoàng vẽ khiến hình ảnh Đức Phật có bàn tay và chân rất to lớn, điểm nhìn xoay chuyển từ đỉnh nón xuống đáy nón. Ngài giống như một hình kim tự tháp – sự vững vàng, kiên định khó lay chuyển trên con đường tu tập. Hay hình xoắn ốc – nguyên lý hài hòa tuyệt đối trong tự nhiên, hoặc như một cái cây cổ thụ rễ cắm sâu vào đất, gốc lớn thì cành lá mới vươn cao và rộng. Đôi khi chân lý là hình ảnh và tự bạn phải suy diễn bằng hiểu biết và cảm nhận của riêng mình.

“Những quan sát của tôi về tự nhiên trên nguyên lý “tạo hình phối cảnh ngược” đã đồng nhất với hình ảnh Đức Phật như vậy”. Hoàng bày tỏ. “Cũng là cách để khám phá dần chiều sâu của tâm thức chính mình, chẳng khác nào việc tôi khám phá thiên nhiên. Càng dấn thân và khao khát tìm hiểu, tôi càng cảm nhận được sự vô hạn của nó. Không có giới hạn hay điểm dừng trong hành trình khám phá này. Linh hồn hay những hiện tượng huyền bí, thực ra chỉ là biểu hiện của sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và vũ trụ. Với tôi, bản chất của đạo Phật theo tôi nghĩ là: thiện tâm. Không phải để trở thành một đấng tâm linh nào cả. Càng có thiện tâm, bạn càng nhìn rõ hơn cái bất thiện trong mình. “Ánh sáng không vô tình chiếu vào căn nhà của bạn, mà vì bạn đã mở cửa để đón nó vào”.

Tâm hồn con người, giống như một phần của tự nhiên, chứa đựng những bí ẩn vô hạn.

Giống như câu nói của Picasso trong hội họa: “Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài khi vẽ tranh nhưng điều quan trọng là có giữ được sự thiên tài đó khi lớn lên hay không?”

Và tôi nghiệm ra trên con đường đạo cũng vậy: “Mỗi người đều là một vị Phật khi còn nhỏ hay như khi mới bắt đầu tu tập nhưng có giữ được vị Phật đó khi lớn lên hay không mà thôi!”. Có thể nói, Đạo Phật đó là những lời dạy của Đức Phật trên con đường đến tỉnh thức. Đó là điều tất nhiên, không ai có thể phủ nhận. Đạo Phật là con đường thực hành cũng như rèn luyện tâm. Tâm sáng thì tuệ sáng và ngược lại”.

“Giới – Định – Tuệ” theo họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, đó là hành trình trải qua trong tu tập, như người nghệ sĩ vẽ tranh: Giới (chăm chỉ, kiên trì thực hành, trau dồi kiến thức, có đạo đức, trung thực), Định (đạt đến sự nhạy cảm và tinh tế cao, cân bằng hòa sắc, tạo hình, đạt và dừng cảm thức đúng lúc). Tuệ (có lẽ là sự thấu suốt cái vô thường – vô ngã, sự bất biến của thời gian và vạn vật). Và với họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: Đức Phật đã “dừng” lại tất cả, còn chúng ta, vì lý do nào đó, cứ mải miết đi mãi và mơ hồ về tương lai theo cách của mỗi người, vì nghiệp và nhân quả.

Từ những suy niệm, trải nghiệm từ con đường thực hành lời Phật dạy, sáng tạo nên những bức tranh về Phật theo cách riêng biệt, họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng mong muốn sự phát triển của Phật giáo sẽ thiên về chất hơn là lượng, thiên về tinh thần và nội tâm bên trong, hơn là phung phí vào vật chất và hình thức bên ngoài… Mỗi người sống đúng theo đạo đức nhân bản và nhân quả mà Đức Phật dạy.