Ý nghĩa danh xưng phẩm vị, chức sự trong Đại Giới đàn
Lược thuật chức sự ý nghĩa phẩm vị chức sự trong Giới Đàn. Giới Đàn nơi tuyển người làm Phật, pháp hội quan trọng nhất trong tất cả pháp hội, nơi truyền trì mạch đạo, chốn tỏ ý đạo màu, là sự kiện hoan hỷ nhất trong tất cả các sự kiện của Phật Giáo…
Giới Đàn Luật Tông Phật Giáo Bắc Truyền do ảnh hưởng phong tục tập quán cũng như lễ chế văn hóa của Trung hoa, đồng thời có sự tham dự của chính quyền phong kiến trong việc quản lý Tăng sĩ cũng như tấn phong giáo chức cho các bậc Tòng Lâm thạc đức, cho nên Giới đàn vốn dĩ là nơi truyền giới cho người xuất gia để tu học, thuần túy trong ý nghĩa tôn giáo là nơi tuyển người làm Phật trong tương lai, trở thành một nghi lễ mang tính chất vừa thiêng liêng của tôn giáo vừa là hành chánh theo lễ nghi thụ phong chức vị của thế đế bên ngoài.
Theo luật định lập đàn truyền giới chỉ cần cụ túc Thập sư, Yết-ma kết giới, tác pháp truyền giới là đủ, nhưng giới đàn của Luật tông Phật giáo Bắc truyền ngoài pháp Yết-ma truyền giới ra còn rất nhiều nghi tiết theo thể thức của một đàn tràng được đưa vào trong giới đàn để phù hợp với văn hóa của người Đông Độ, vì lý do này mà những nghi thức giới đàn từ chỗ đơn giản đến phức tạp, từ trang nghiêm bước vào thần thánh, tạo thành một sắc thái thâm nghiêm cổ kính, trọng thể thiêng liêng, phù hợp với văn hóa tư duy, tín ngưỡng của người Á đông.
Tính cổ kính thâm nghiêm của Giới đàn được hình thành từ các lễ nghi. Thực hành nghi thức và nghi quỹ trong đàn trường truyền giới, những vị Tăng hành trì nghi thức này đều là các bực thông tuệ, chuyên môn trong lĩnh vực lễ nghi Phật giáo đứng ra đảm trách. Cho nên việc tổ chức Giới đàn ngoài ban Kiến đàn ra còn phải có Giới đàn Hành nghi cụ bị nội ngoại đàn tràng nhân sự.
Ngoại đàn gồm các thành viên chuyên phụ trách về các nghi tiết lễ chế của giới đàn, đứng đầu là Khai đường Hòa Thượng, Sám Chủ Sư, Kinh Sư, Công Văn Sư . Nội đàn gồm Thập Sư Hòa thượng và Tứ vị Dẫn thỉnh Giám đàn, vị đứng đầu là Đường đầu Đắc giới Hòa thượng, để cho giới đàn nội ngoạilưỡng ban hành nghi được diễn ra đúng như pháp, chịu trách nhiệm cũng như quản lý vấn đề này, ngoại giới đàn do Công Văn Sư, nội giới đàn do Tuyên luật Sư Hòa thượng và Tứ vị Dẫn thỉnh phụ trách.
1. Đắc Giới Hòa Thượng
Hòa thượng Đường đầu hay còn xưng là Đàn đầu Hòa thượng. Trong sách Chỉ Quy chép: “Thiên Trúc gọi là Đô Ba Đề Da, ở đây xưng Thầy thường thân cận thọ trì”, sách Phát Chánh Ký chép: “Phạm danh Ưu Ba Đề Ha, ở gọi là y theo học vậy.” Trong Tỳ Nại Da chép: “Tiếng Phạm Khâu ba đề da ở Đông độ gọi Thân giáo, vì là người có thể chỉ dạy chúng ta con đường xa lìa nghiệp thế gian nên còn xưng là Thọ nghiệp Hòa thượng” trong Thập Pháp Sư chép: “Phạm ngữ Hòa thượng đây xưng là Lực sanh”.
Hòa thượng Đường đầu trong Đại Giới đàn thường là các bậc thanh tu thạc đức giới hạnh nghiêm minh trong chốn tòng lâm, vì Giới đàn là nơi giới tử cầu thọ Giới pháp để tu hành cho nên là người đứng ra thí giới phải Cụ túc Tịnh giới. trong Tứ phần luật chép: “Vị Tỳ Kheo từ 10 hạ trở lên mới đủ tư cách làm Truyền giới Hòa tThượng, thứ nữa phải cụ túc Ngũ Đức”.
1 – Kiên trì tịnh giới
2 – Đủ mười tuổi hạ
3 – Thông hiểu luật tạng
4 – Thông đạt thiền tư
5 – Trí huệ thông đạt
Trong Thiền Tạng chép: “Hòa thượng Phương trượng xưng là Đường đầu vậy”. Đàn đầu Hòa thượng hay Đường đầu Hòa thượng là một phẩm vị nhưng hai, có hai danh xưng là do nguyên nhân, theo truyền thống của Giới đàn Luật tông Bắc truyền và Luật Truyền giới của Phật giáo Trung Hoa. Nơi nào mở Giới Đàn truyền giới có lập Giới Đài để truyền thọ Giới Pháp thì nơi đó Đắc Giới Hòa Thượngxưng là Đàn đầu Hòa thượng, nơi nào mở đàn truyền giới mà không lập Giới Đài, truyền giới trong điện Phật hoặc là Tăng đường thì Đắc Giới Hòa Thượng xưng là Đường Đầu Hòa Thượng.
2. Yết Ma A Xà Lê
Yết Ma: trong Hoa Nghiêm Âm Nghĩa của Ngài Huệ Uyển chép: “Tiếng Phạm Yết-ma Đông Độ xưng là Biện sự, tất cả các phép tắc Tăng sự đều do vị này bạch hỏi.” Trong Thập Tụng Luật chép: “Bạch là vấn hỏi việc của chúng Tăng nên xưng là Bạch. Nếu có việc của Tăng lần đầu nói cho Tăng biết gọi là Bạch. Bạch Yết-ma thọ Cụ Túc Giới, Bố Tát Thuyết Giới, Tự Tứ .v.v…gọi là Bạch Tứ Yết-ma”.
A Xà Lê: Bồ Đề Tư Lượng Luận chép: “Phạm âm là A Giá Lê Dạ, đời Tùy gọi Chánh Hạnh” trong Nam Hải Ký Quy Truyện chép: “Tiếng Phạm gọi A Giá Lợi Na, đời Đường dịch là Quỹ Phạm Sư, là người chuyên dạy đệ tử các phép thức lễ nghi, cũng còn gọi là A Xà Lê…”; trong Thiện Kiến chép: “Trong tất cả pháp dạy cho người hiểu biết thì xưng là A Xà Lê”. Nam Sơn Sao chép: “Đầy đủ hạnh đức chân chánh khiến cho đệ tử học theo gọi là A Xà Lê”.
Yết Ma A Xà Lê là phẩm vị thứ hai trong Đại Giới đàn chuyên đảm trách việc xướng bạch tác pháp Yết-ma, để được sự tác thành của Thập Sư Phương Trượng, vị nào đảm nhiêm chức vụ này có ít nhấttrên10 Hạ lạp thông hiểu Giới đàn Tăng và Nghiêm tịnh thanh tu Cụ thọ giới đức.
3. Giáo Thọ A Xà Lê
Giáo Thọ A Xà Lê: Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Là vị thầy đắc độ dạy dỗ, còn gọi là Thọ Nghiệp Sư, Thân Giáo Sư” trong Phật Giáo Nghi Chế chép: “tức là vị dạy dỗ oai nghi pháp tắc trong Giới đàn, là người hướng đạo khai diễn vấn nạn Giới tử” theo luật định giới tử trước khi đăng đàn thọ giới trước tiên phải thông qua các vấn nạn của vị Giáo Thọ, nếu như cụ túc thì mới được đăng đàn thọ giới. Chức Giáo thọ sư thuộc các vị đại Tăng Giới luật tinh thông và có niên lạp giới đức trưởng thượng đảm nhận, nếu như giới đàn có đông giới tử thì thường thỉnh hai vị Yết-ma và hai vị Giáo Thọ.
4. Tôn Chứng Tăng Già
Luật định Giới Đàn phải đủ 7 vị Tôn Chứng thì tác pháp mới thành tựu và tất cả những vị Tôn Chứng đều cụ túc 5 hạ trở lên thanh tịnh giới hạnh, khi Tác Pháp Yết-ma có thành tựu hay không là do sự chấp thuận đồng ý của 7 vị Tôn Chứng Sư, Giới tử đắc giới hay không cũng đều từ sự tác thành của bảy vị Tôn Chứng Tăng Già.
5. Dẫn Thỉnh Sư
Dẫn Thỉnh Sư: trong Tòng Lâm Tượng Khí Tiên chép: “ Những Sa di mới được độ không hiểu các luật nghi đi đứng hành pháp trong giới đàn, cho nên cần phải có thầy hướng dẫn, chỉ huy hành lễ, để thỉnh cầu Giới Sư truyền giới vậy”. trong Phật Giáo Tùng Thư chép: “Là người hướng dẫn đại chúng thực hành các nghi thức và phép tắc trong Pháp Hội hoặc Giới Đàn, làm cho không có chổ trái phạm vậy”, các nghi thức thọ giới đăng đàn thuyết nghi thọ y bát, hướng dẫn giới tử thỉnh sư. v.v… trong giới đànđều do 4 vị dẫn thỉnh sư phụ trách, các vị này đều là các bực thông suốt chẳng những luật nghi mà còn thông thạo về nghi lễ Phật Giáo cũng như các qui củ phép tắc của Tòng lâm, thanh tu tịnh đức.
6. Giám Đàn Sư
Giám Đàn sư: còn gọi là Oai nghi Sư trách nhiệm quán sát trông coi việc thực hành pháp tắc nghi thứctruyền giới của Giới Đàn, đồng thời thể hiện tướng oai nghiêm thanh tịnh của Giới đàn. Trong Thích Thị Yếu Lãm chép: “Tuyển người có đức hạnh, tự mình đoan chánh khuyến hóa người khác học theo. Làm kỷ cương trong Tăng vậy”. Giám Đàn sư trong Giới đàn thường có 4 vị Đại Tăng phụ trách.
7. Tuyên Luật Sư
Giới đàn Phật giáo Việt Nam xưng vị Giám luật của Đàn Giới là Tuyên Luật Sư, Giới Đàn ở Trung Quốc ,Đài Loan xưng chức danh này Thuyết Giới Hòa thượng, hai chức danh hàm ý như nhau nhưng xưng hô có khác.
Luật Sư: Trong Luật Sao Giải Đề chép: “Phật dạy người giỏi giải thích một chữ gọi là Luật Sư. Một chữ là gì, đó là chữ Luật vậy”, Kinh Bảo Vân chép: “ Cụ túc 10 pháp gọi là Luật Sư
1 – Giỏi về diễn giải duyên khởi của Tỳ-ni
2 – Giỏi về cắt nghĩa thâm ý của Tỳ-ni
3 – Giỏi về diễn đạt sự vi tế trong Tỳ-ni
4 – Giỏi nói về được lợi ích của Tỳ-ni
5 – Giỏi thuật về tánh trọng giới của Tỳ-ni
6 – Giỏi thuật giải luật chế trọng giới trong Tỳ-ni
7 – Giỏi về thuyết giảng nhân duyên của việc chế Giới
8 – Giỏi về chuyên trì nội tạng Kinh Điển của Phật
9 – Giỏi về thuyết giảng Bích-chi Tỳ-ni
10 – Giỏi về thuyết giảng Bồ tát Tỳ-ni.”
Trong Thập Tụng Luật chép: “ Người trì Luật có 7 công đức:
1 – Năng trì nội tạng kinh của Phật
2 – Giỏi về khả năng dứt sự tranh cải
3 – Trì giới
4 – Lấy giới luật ngăn chặn ngoại đạo
5 – Không bàn luận với người khác, ở trong chúng thuyết giới không sợ
6 – Năng đoạn các nghi hoặc
7 – Năng làm cho chánh pháp cửu trụ trên đời.”
Trong Thiện Kiến luật chép: “Phật nói người trì luật, tức là căn bản của công đức, vì nhân duyên ấy mà nhiếp lãnh các pháp”.
Tuyên tức chỉ cho Ngài Đạo Tuyên Luật Sư đời nhà Đường, người sáng lập Luật tông Phật giáo Bắc truyền và chế ra nghi quỹ phép tắc nghi thức truyền giới và định chế hình tướng của Giới đài. Phẩm vị Tuyên Luật sư với ý nghĩa là đại diện cho Ngài Đạo Tuyên Giám luật trong Giới đàn, quán xét hết thảy các nghi quỹ phép tắc truyền giới có như pháp hay không. Thứ nữa Tuyên Luật Sư có nhiệm vụ khai đạo thuyết giới cho giới tử tỏ bày diệu ý của Giới Pháp, cũng như tuyên dương Luật Học cho nên cũng gọi là Tuyên Luật sư.
8. Khai đường Hòa Thượng
Trong Tổ Đình Sự Uyển chép: “ Sơ khải nghi đường cung thỉnh Trưởng lão, Trú trì đăng đàn thuyết pháp gọi là Khai đường. Diễn nghi truyền Phật Tổ chánh pháp nhãn tạng, Khai Đàn Pháp Sự thượng chúc quốc thái dân an cũng gọi là Khai đường” phẩm vị Khai đường Hòa thượng trong Giới đàn là khai mở Giới hội, niêm đàn, khai chung bản, lập Tăng lịnh, định Tăng đường, khải đàn truyền giới. Vị Tôn đức thọ chức vị này thường là các bậc Nghi lễ Danh Sư, trong Kinh Âm Sớ chép: “Khai là đạt vậy, hiểu vậy, năng diễn thuyết vậy”.
9. Sám chủ Sư
Sám chủ Sư còn gọi là Tác Phạm A Xà Lê. Là vị chuyên môn đặc trách tán tụng nghi thức trong Giới đàn. Phạm là Phạm Bối. Trong Thích Thị Yếu Lãm chép: “tiếng Phạm gọi là Bối Nặc, Trung Quốc dịch là Chỉ Đoạn, do có công năng dừng các ngoại sự tịch tịnh để hành pháp sự”. Trong Sắc Tu Bách Trượng thanh quy chép: “ Tác Phạm A Xà Lê đánh chuông tán rằng…”. trong Thiền Tạng chép: “Sa di thọ giới thời, dùng thanh âm của tán tụng, để dừng dứt sự ồn ào huyên náo, sau đó mới hành trì pháp sự”
10. Kinh Sư
Kinh Sư còn xưng Tán Bối Sư là những vị Tăng chuyên tu về nghi lễ tán tụng, cùng với Sám Chủ Sư thực hành các nghi thức của Giới đàn.
11. Công văn Sư
Công ăn Sư là vị lo chuyên trách về thỉnh Sư cung an chức sự Giới đàn, điều hành các thời khóa lễ, phụ trách công văn sớ điệp trong Giới đàn.
Trên đây lược thuật chức sự ý nghĩa phẩm vị chức sự trong Giới Đàn. Giới đàn nơi tuyển người làm Phật, pháp hội quan trọng nhất trong tất cả pháp hội, nơi truyền trì mạch đạo, chốn tỏ ý đạo màu, là sự kiện hoan hỷ nhất trong tất cả các sự kiện của Phật Giáo, cho nên trời người đều vui mừng, Nhơn thiên ủng hộ, Thánh phàm trợ giúp, không ít Bồ tát xuống trần hộ giới, cũng nhiều Thánh Tăng ẩn tướng trợ duyên, vậy nên nếu là người có duyên với Giới đàn nên pháp tâm hết lòng hộ pháp, góp phần xiển dương Luật học, truyền trì mạng mạch Tăng đoàn, lịnh Phật pháp cửu trụ xương minh, nguyện pháp giới chúng sinh nhập vào Tỳ Lô Giới Hải.
TT.Thích Tâm Mãn (2010)