Mở cuộc chơi lớn toàn cầu, kỷ lục mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng 155

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra kế hoạch kinh doanh ấn tượng sau một năm khó khăn. Điểm nhấn vẫn là các đại dự án bất động sản và ô tô điện VinFast trên toàn cầu.

Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua kế hoạch năm 2022 với doanh thu thuần ở mức cao kỷ lục: 140 nghìn tỷ đồng (6,3 tỷ USD), tăng 11,4% so với 2021.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế được đặt ra ở mức 6 nghìn tỷ đồng, so với mức lỗ gần 7,56 nghìn tỷ đồng trong năm trước.

Nòng cốt của tập đoàn vẫn là mảng bất động sản với Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và đặc biệt là startup VinFast xe điện.

Trong năm vừa qua, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tập trung phát triển mảng xe điện với trọng tâm đánh vào thị trường Mỹ. Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2022 (dự kiến tổ chức vào 11/5), Vingroup cho biết, trong năm 2022, VinFast giới thiệu các mẫu xe ô tô điện thông minh ra thị trường toàn cầu, chính thức nhận đặt hàng đối với ba mẫu xe VF 5, VF 8 và VF 9.

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục.

Đồng thời, VinFast tiếp tục bàn giao mẫu xe VF e34 đến cho khách hàng tại thị trường Việt Nam và chuẩn bị cho việc bàn giao VF 8, VF 9 cho thị trường toàn cầu từ cuối năm. Các mẫu xe điện mới được kỳ vọng giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, nhanh chóng xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế bao gồm Mỹ, Canada và châu Âu.

Theo Bloomberg, VinFast sẽ IPO và huy động vốn ở Mỹ với mức định giá có thể lên vài chục tỷ USD. Nếu VinFast IPO thành công ở Mỹ, ông chủ Vingroup có thể vào top 40 người giàu nhất trên thế giới. Nếu VinFast IPO thành công tại Mỹ với định giá 60 tỷ USD như kỳ vọng, ông Vượng sẽ có thêm khoảng 26 tỷ USD. Và khi đó, tổng tài sản của ông Vượng sẽ là 32 tỷ USD, lọt top 40 người giàu nhất trên hành tinh theo danh sách của Forbes. 

Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, cũng có thêm khoảng 600 triệu USD, nâng tổng tài sản lên khoảng 1,2 tỷ USD, trở thành nữ tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam và Đông Nam Á, chỉ xếp sau nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet, với 3,2 tỷ USD).

Hồi đầu tháng 8/2021, tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp 48,5% vốn, tương đương 485 tỷ đồng (cùng với Vingroup 51%) vào CTCP Giải pháp năng lượng VINES (VinES), một doanh nghiệp sản xuất pin và ắc quy trong bối cảnh VinFast hướng tới mục tiêu trở thành hãng ôtô điện thông minh toàn cầu.

Gần đây, nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán Việt không giảm nhiều cho dù thị trường rơi vào một vóng xoáy bán tháo. Việt Nam vẫn ghi nhận 7 tỷ phú USD, trong đó có gương mặt mới là ông Bùi Thành Nhơn, với khối tài sản lên tới 3,2-3,5 tỷ USD.

Trong danh sách Forbes ghi nhận 4 tỷ phú Việt nằm trong top 1000 người giàu nhất trên hành tinh gồm: tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Bùi Thành Nhơn (Novaland), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet).

Ngưỡng chặn 1.350 điểm

Theo BSC, nếu tiếp tục không có dòng tiền mạnh mẽ bắt đáy ở khu vực 1.370, thị trường sẽ tiếp tục lùi về quanh ngưỡng 1.350.

Trong khi đó, theo Chứng khoán SHS, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm được giữ vững. Theo SHS, xét trên khía cạnh định giá, P/E của VN-Index sau phiên 21/4 khoảng 16 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của VN30 chỉ có 15,1 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Với mức định giá như trên, khả năng thị trường giảm mạnh là khó xảy ra.

YSVN cũng cho rằng, thị trường có thể sớm xác lập vùng đáy ngắn hạn.

Chốt phiên giao dịch 21/4, chỉ số VN-Index giảm 14,51 điểm xuống 1.370,21 điểm. HNX-Index giảm 13,42 điểm xuống 366,61 điểm. Upcom-Index giảm 1,51 điểm xuống 104,89 điểm. Thanh khoản đạt 27,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 23,8 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà