Ảnh hưởng của Phật giáo trong tác phẩm văn học thời trung đại ở nước ta (thế kỷ XV-XVIII) (SC. Thích Nữ Nhuận Mỹ)

CÁC TRƯỚC TÁC VĂN HỌC PHẬT GIÁO TIÊU BIỂU
Văn học Việt Nam thời Hậu Lê có nhiều tác giả và tác phẩm quan trọng, với thể loại, như: Văn học dân gian (thơ, truyện thơ lục bát) và văn học viết cùng tồn tại, phú, chiếu, biểu, văn bia, truyện ký, cáo, chính luận. Chữ Nôm phát triển và xuất hiện nhiều trong các sáng tác văn học vào thời kỳ này. Văn học Trung đại là đỉnh cao của văn học chữ Nôm, xuất hiện nhiều tác phẩm được sáng tác bằng chữ Hán-Nôm là kiệt tác trong văn chương, góp phần làm cho kho tàng văn học Việt Nam thêm phong phú đa dạng. Các sáng tác văn học thời Hậu Lê mang dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học phong kiến của Việt Nam. Nội dung văn học Trung đại phản ánh đời sống chính trị, xã hội và văn hóa tinh thần nhân dân ta thời bấy giờ.

Các tác phẩm văn học Phật giáo của các thiền sư, chư Tăng Phật giáo, người am hiểu Đạo Phật hoặc tín đồ Phật tử theo Đạo Phật cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình văn học Việt Nam. Nội dung văn học Phật giáo mang tính chất giải thoát tâm linh, chủ yếu viết về đời sống tu tập, cuộc sống hiện thực với quan điển triết lý của Đạo Phật, một số sáng tác còn bộc lộ tâm trạng, thái độ của Phật giáo đối với cuộc đời. Các tác phẩm đa số được trước tác bằng hệ thống chữ Nôm, với thể loại: kệ, thơ Thiền, ca, ngâm, phú, truyện thơ Nôm lục bát, thơ Đường luật, thơ tứ ngôn…

Các tác giả thiền sư với các tác phẩm tiêu biểu vào thời này như có thể kể đến: Thiền sư Viên Thái (1400-1460) có dịch thuật bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục. Thiền sư Pháp Tính (1470-1550) dịch Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục ra tiếng Nôm và viết Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Thiền sư Minh Châu Hương Hải có các tác phẩm mà đời sau tập hợp lại trong Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Sự lý dung thông. Thiền sư Chân Nguyên hiệu đính lại các tác phẩm văn học Phật giáo thời Trần của thiền phái Trúc Lâm và trước tác nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Quốc ngữ (chữ Nôm) như [1]: Thánh đăng ngữ lục, Thiền tông bản hạnh, Kiến tánh thành Phật… Thiền sư Toàn Nhật có các tác phẩm được hậu thế sưu tầm trong Toàn Nhật Quang Đài toàn tập, Hứa Sử truyện vãn. Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1690-1728) trước tác các tác phẩm: Sa di thập giới quốc âm, Ngũ giới quốc âm, Phật tâm luận, Kiến đàn giải uế nghi, Mãn tán tạ quá nghi. Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền (1726-1798) trước tác khoảng 18 tác phẩm như: Diệu nghiêm Lão tổ thi tập, Tam bảo biện hoặc luận, Chiết nghi luận tái trị, Thiện ác quy cảnh lục… Thiền sư Phổ Chiêu Phạm Thái (1777-1813) có tác phẩm Chiến tụng Tây Hồ phú, truyện thơ Nôm Sơ kính tân trang… Ngô Thì Nhậm với tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh thể hiện Tam giáo đồng nguyên; thi kệ, ngữ lục của Thiền sư Liễu Quán, Thiền sư Nguyên Thiều… Các tác gia thế tục như Nguyễn Trãi với một số bài viết về Phật giáo trong Ức Trai thi tập và quốc âm thi tập. Tác gia Lê Thánh Tông có Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Thánh Tông di thảo, Hồng Đức quốc âm thi tập. Tác gia Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Tác gia Nguyễn Gia Thiều có Cung oán ngâm khúc. Nguyễn Du với Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sanh, Lương Chiêu Minh Thái tử phân kim thạch đài. Lê Quý Đôn có sách Kiến văn tiểu lục  Chú giải Kinh Kim cương.

Nguyễn Du (1766-1820), hiệu Tố Như, là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn được UNESCO công nhận là bậc “Danh nhân văn hóa thế giới”. Với các tác phẩm: Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sanh, Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài, Nguyễn Du là một nhà Nho tuy không nghiên cứu sâu về Phật học, nhưng đã lấy cảm hứng ở Đạo Phật rất nhiều. – (Ảnh: sưu tầm)

ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC HIỆN ĐẠI
Đạo Phật khởi nguyên từ nước Ấn Độ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Với hệ thống giáo lý gồm Tam tạng Kinh điển (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng). Mục đích của Đạo Phật là: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” đã thể hiện tính chất từ bi, bình đẳng của Đạo Phật. Không phân biệt giai cấp, không phân biệt vùng miền, màu da. Thông qua các triết lý: Tứ diệu đế, Thập nhị Nhân duyên, Duyên khởi, Vô ngã,… Đạo Phật luôn hướng đến việc hóa giải khổ đau của con người do vô minh, sai lầm, mà chưa giác ngộ bằng cách chỉ rõ về sự khổ, nguyên nhân của sự khổ đau, sự an lạc hạnh phúc và con đường đưa đến sự an lạc cứu cánh. Bên cạnh đó là phát triển những hạt giống thiện lành trong tâm thức gọi là “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (không làm các điều ác, luôn làm các điều lành) với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp” (luôn luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp), tức là luôn lấy trí tuệ sáng soi trong mọi công việc của mình và từ đó góp phần cho cuộc đời ngày càng thêm sáng tươi.

Thời Hậu Lê, Phật giáo được phục hưng và phát triển. Vào giai đoạn Lê Trung Hưng, đất nước bị chia đôi Đàng Trong và Đàng Ngoài, các vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn thường xuyên xảy ra các cuộc giao tranh, đời sống nhân dân cũng vì vậy mà trở nên khó khăn. Phật giáo đã được nhân dân và giới trí thức đương thời rất ưa chuộng và quay về nương tựa trong đời sống sinh hoạt tâm linh của mình. Điều này thể hiện rõ nét trong các tác phẩm văn học. Chính triết lý của Phật giáo đã phần nào hóa giải những nỗi niềm khổ đau trong cuộc sống của họ. Hơn nữa, tính chất Từ bi-bình đẳng của Đạo Phật đã giúp mỗi cá nhân trong xã hội tự ý thức giáo dục về phẩm chất đạo đức và trách nhiệm của mình. Thời kỳ này, văn chương cũng chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, có nhiều tác phẩm do nhân vật có liên hệ với lịch sử viết ra, hoặc lấy các việc đương thời làm đề mục [2]. Trong bối cảnh đó, các trước tác văn học Phật giáo của các thiền sư cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần lớn vào tiến trình văn học dân tộc.

Nếu Nguyễn Trãi nhiều lần đọc Pháp Bảo Đàn Kinh từng viết “Môn Thiền nhất phái Tào Khê thủy,/ Vô thụ phi đài ngữ nhược tâm” (Du Nam Hoa tự), Nguyễn Du sau này đã viết “Ngã độc Kim Cương thiên biến kinh” (Tụng đọc Kinh Kim Cương hơn nghìn vạn lần), thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài Độc Phật kinh hữu cảm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, thế kỷ XVI, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ông chịu ảnh hưởng Phật giáo khá nhiều trong cuộc đời và sáng tác [3]. Sau khi từ quan về quê, ông tích cực xây chùa, mở trường học. Thường ngày, ông cùng với vài nhà sư, một số bạn bè dạo chơi các danh thắng trong đó có núi Yên Tử – trung tâm thiền học nước ta. Khi thăm chùa Phổ Minh, ông đã sánh Pháp giới của nhà Phật với quan niệm Trời của Nho gia: “Pháp giới ưng đồng thiên quảng đại” (Pháp giới sánh ngang tầm rộng lớn của trời) (Du Phổ Minh tự). Điều này chứng tỏ ông đã nhận thức được tư tưởng Nhất thế chư pháp vô phi Phật pháp ở Kinh Kim Cang [4]. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng sâu rộng, tác động tích cực vào đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thúc đẩy sự phát triển của tiến trình văn học dân tộc [5].

Đạo Phật khởi nguyên từ nước Ấn Độ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Với hệ thống giáo lý gồm Tam tạng Kinh điển (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng). Mục đích của Đạo Phật là: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” đã thể hiện tính chất từ bi, bình đẳng của Đạo Phật. Không phân biệt giai cấp, không phân biệt vùng miền, màu da.

Phiên âm Hán-Việt:
Minh tự học dân tộc,
Viên hoa dã thảo cựu nham quynh.
Bi văn bác lạc hoà yên bích,
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh.
Pháp giới ưng đồng thiên quảng đại,
Hương nhân do thuyết địa anh linh.
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tà ?
Thức đắc vô hình thắng hữu hình.
                               (Du Phổ Minh tự, 
                                Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Dịch nghĩa:
Sau khi loạn lạc lại tìm đến chùa Phổ Minh,
Vẫn hoa vườn cỏ nội với cửa đá cũ.
Văn bia mờ nhạt hòa trong làn khói biếc,
Mắt Phật lạnh lùng soi thấu đêm thanh.
Pháp giới phải ngang với tầm rộng lớn của trời,
Người làng vẫn nói đến sự anh linh của đất.
Vắng vẻ lặng lẽ, vạc xưa nay còn đâu?
Thế mới biết vô hình vẫn thắng hữu hình [6].

Trong bài thơ trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc biệt đề cập đến việc ông trở lại viếng thăm chùa Phổ Minh (Thiên Trường Nam Định). Trong đó, tác giả mượn cảnh di tích, thắng cảnh chùa Phổ Minh với văn bia, tượng Phật, vạc Phổ Minh (một trong An Nam tứ đại khí) để thể hiện tâm trạng của mình. Hai câu: “Văn bia mờ nhạt hòa trong làn khói biếc, Mắt Phật lạnh lùng soi thấu đêm thanh”, trong cảnh tịnh yên ắng của chùa viện, tượng Phật cũng trang nghiêm trong tư thế thiền định, đôi mắt của Đức Phật tuy luôn nhìn xuống nhưng luôn “soi thấu” thấu rõ vạn pháp. Tác giả thể hiện sự am hiểu của mình về Phật pháp qua câu “Pháp giới phải ngang với tầm rộng lớn của trời”. Có thể thấy, nhà thơ thật sự là một người rất am hiểu Đạo Phật, nên khi đến vãn cảnh chùa thì với cái nhìn của thiền quán cũng thấy rõ thực tướng của các pháp và quay về sống với Phật tánh linh thiêng, mầu nhiệm nơi chính mình. Cả vũ trụ, đất trời bao la, rộng lớn đều thuộc pháp giới, nên Đức Phật dạy các pháp đều do duyên mà tạo thành và cũng do duyên mà hoại diệt. Tất cả theo quy luật của vô thường (thành, trụ, hoại, không), chúng ta không nên tiếc nuối, dính mắc vào vạn sự, vạn vật. Đó cũng là câu trả lời cho sự việc vạc chùa Phổ Minh không còn, với câu thơ: “Vắng vẻ lặng lẽ, vạc xưa nay còn đâu?”. Tác giả lại cảnh tỉnh về “vô thường” trong câu “Thế mới biết vô hình vẫn thắng hữu hình” cái vô hình hay vô tướng đó cũng là thực tướng về tánh không của các pháp, khi hiểu được như vậy thì thân tâm sẽ an bình và tự tại hơn.

Thiền sư Phổ Chiêu (1777-1813), thế danh là Phạm Thái, người làng Yên Thường, Đông Ngàn, Bắc Ninh, một tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam Trung đại với các sáng tác bằng chữ Nôm. Tác phẩm của ông để lại đến nay không nhiều, nhưng lại là những tác phẩm hết sức xuất sắc, những cống hiến đột xuất về tư tưởng nghệ thuật cho văn học đương thời [7], như: Bài phú Nôm chấn động đương thời Chiến tụng Tây Hồ phú, truyện thơ Nôm Sơ kính tân trang… Ngoài Chiến tụng Tây Hồ – một bài phú từng làm sửng sốt giới trí thức văn thi sĩ Hà Thành đương thời cả ở thái độ cực đoan lẫn tài nghệ của người cầm bút, Phạm Thái còn để lại một số thơ văn (chủ yếu bằng chữ Nôm), trong đó phải kể đến các bài: Tự trào, Đề tranh tố nữ, Đề chùa Tiêu Sơn, Đề núi con voi, Họa thơ mừng tiệc sinh nhật Thanh Xuyên hầu, Văn triệu linh (Tức Đề nhà nghĩa lư của Long Cơ) Diễn thơ Trương tứ lang và một bài Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu bằng chữ Hán (sau chính tác giả lại dịch ra lục bát) [8] …

Dấu ấn Phật giáo trong văn học Trung đại phản ánh sự gắn bó mật thiết giữa Đạo Phật với văn hóa dân tộc. Chủ yếu các triết lý nói về quy luật nhân quả, luân hồi, quan niệm về chữ tâm, về hạnh phúc…

Phạm Thái là một nhân vật tài hoa và ngang tàng. Thơ văn ông thể hiện khá chân thật đôi điều ấy. Đôi khi ngòi bút tài hoa ấy chuyển thành ngông nghênh, bảo thủ; chỉ biết chống lại những điều mà lý tưởng của ông không thừa nhận, không cần biết về khách quan chúng đúng hay sai [9]. Thiền sư Phổ Chiêu Phạm Thái là một trong những người đi đầu trong việc cách tân thể thơ trữ tình tiếng Việt, đưa thể thơ này lên một cung bậc mới, thiền sư đã góp phần tài hoa của thiền sư cho nền văn học Phật giáo [10]. Xin dẫn lại một vài sáng tác của thiền sư như sau:

Bài Tự thuật:
Dăm bẩy năm nay những loạn ly
Cảm thương thân phận lỡ qua thì,
Ba mươi tuổi lẻ là bao tá,
Năm sáu đời vua thật chóng ghê!
Một tập thơ sầu ngâm đã chán,
Vài be rượu lạt uống ra gì.
Chết về Tiên Phật cho xong nợ,
Cái kiếp trần gian sống mãi chi! [11].

Những áng thơ có tính chất, phương tiện trêu chọc, chơi chữ như:
“Đã khắp sơn lâm, khắp hải hà,
Khen đây cảnh trí, khéo thay là.
Gió Từ hây hẩy đưa buồm gấm,
Trăng Tuệ làu làu rạng tán hoa.
Tiêu điểm tiếng kinh xen trống giục
Mõ ngân giọng kệ lẫn chuông hòa.
Nào ai là Phật, ai là tục,
Có biết Tiên chăng? Chẳng gọi ta [12].

Thiền sư Phổ Chiêu cũng trước tác những bài thơ, văn đậm chất tu hành ở giai đoạn sau. Thiền sư không chỉ là nhà thơ lãng mạn xuất sắc, ông còn là bậc Tăng sĩ trí thức thực thụ, có bản lĩnh, xứng đáng với đạo hiệu Phổ Chiêu Thiền sư, chứ không hẳn là người thất chí chán đời, lánh mình vào chốn cửa không, như bao nhận định phiến diện xưa nay của một số nhà bình luận văn học sử về giai đoạn này [13]. Cách dùng chữ của Phổ Chiêu Thiền sư khi sáng tác những áng văn đậm chất tu hành ở giai đoạn sau của cuộc đời thể hiện sự chín chắn, thoát tục, vì mọi người kêu gọi phát khởi thiện tâm… [14]. Ta có nhận thấy rõ ở bài văn Sám Phổ khuyến của thiền sư có đoạn: “… Đường tu hành ba mươi sáu,/Với cỏ hoa hơn hớn cũng là vui./Làm chi tham dục để nên lòng,/Luống chịu khiên vưu cho lụy tiếng”… và bài văn Sám Phổ thí có đoạn: “Chữ hiếu ấy trước chưng trăm nết,/Kìa Nho sử còn ghi./Đạo hằng dù trên trả bốn ân,/Nọ Phật kinh hãy tạc./Làm nhân tử phải vẹn bề hiếu tử”… Đó chính là chữ nghĩa thơ văn của một bậc phát nguyện tu Bồ tát hạnh.

Đào Duy Từ (1572-1634), quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa. Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông được sánh như bậc danh thần, vừa là nhà quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa, cũng đã tu học và có ảnh hưởng giáo nghĩa và tín ngưỡng Phật A Di Đà khá sâu sắc, nên ở trong Tư Dung Vãng, ông đã viết:
“Một bầu chi cũng thú yên hà
Nghi ngút hương bay cửa Đại la
Ngày vắng đỉnh đang chuông Bát nhã
Đêm khuya dắng dõi kệ Di Đà.
Nhặt khoan đàn suối ban mưa tịnh
Eo óc cầm ve thuở ác tà
Mựa rảng đạo xa hòa nhọc kiếm
Bồ đề kết quả ở lòng ta”.

Như vậy, qua bài thơ của Đào Duy Từ, ta thấy hành sự “đêm khuya dắng dõi kệ Di Đà” và lý tánh Tịnh độ ta “Bồ đề kết quả ở lòng” đã được ông lãnh hội và hành trì sâu xa [15].

Nguyễn Du (1766 – 1820), hiệu Tố Như, là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn được UNESCO công nhận là bậc “Danh nhân văn hóa thế giới”. Với các tác phẩm: Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sanh, Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài, Nguyễn Du là một nhà Nho tuy không nghiên cứu sâu về Phật học, nhưng đã lấy cảm hứng ở Đạo Phật rất nhiều. Quan niệm về nghiệp báo nhân quả trong Truyện Kiều là một quan niệm phổ thông, không khác gì với quan niệm nghiệp báo nhân quả trong Phong Tình Lục. “Trời” của Nguyễn Du có thể được mô tả là định luật nhân-quả chi phối vũ trụ và cuộc đời, hơn là một vị chúa tể vũ trụ ban phúc giáng họa. Trời cũng là định mệnh, là nghiệp quả. Nghiệp quả có thể thay đổi được, nếu con người thay đổi nghiệp nhân (“Khi nên Trời cũng chiều người”, “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, “có trời mà cũng có ta” và “túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi”) [16]. Trong Văn tế thập loại chúng sanh Nguyễn Du nói niệm Phật nhất tâm là liền được siêu thoát:
“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có câu rằng: vạn cảnh giai không
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi” [17].

“Ai ơi lấy Phật làm lòng”, nghĩa là Nguyễn Du khuyên mọi người hãy lấy tâm của Phật làm lòng của mình, hãy lấy nguyện của Phật làm nguyện của lòng mình, hãy lấy hạnh của Phật làm hạnh của lòng mình và lòng mình với lòng Phật là một, nghĩa là cùng một tâm không khác, thì nhất định ngay đó sẽ được siêu thoát cõi luân hồi [18]. Nên những đoạn thơ tiếp, Nguyễn Du có đề cập: “Tiết đầu thu lập đàn giải thoát/ Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi/ Muôn nhờ Đức Phật Từ bi/ Giải oan cứu khổ độ về Tây phương” [19].

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) có bài Vịnh Phật. Theo ông, về phương diện nhật dụng, Đạo Phật không phải là một “đạo khác”, rằng mục đích “kiến tính” của Phật cũng như mục đích “xuất tính” của Nho, luân hồi và thiên đàng, địa ngục không phải ở đâu xa mà ở ngay trước mắt mình. Ông cho rằng những nhà Nho kích bác Đạo Phật chủ trương hư vô, là những người nhìn trời qua chiếc ống nhòm. Tất cả các ý trên đây ta đều đọc được thấy trong bài hát nói Vịnh Phật của ông: “Thuyền từ một lá chơi vơi/ Bể trần chở biết bao người trầm luân/ Thiên thượng thiên hạ vô như Phật…” [20].

Tóm lại, những ảnh hưởng của Phật giáo vào nền văn học dân tộc đã góp phần tạo nên thành tựu lớn lao cho nền văn chương thời Trung đại Việt Nam, mở đầu cho một dòng văn thơ, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và hoàn thiện của văn học dân tộc. Dấu ấn Phật giáo trong văn học Trung đại phản ánh sự gắn bó mật thiết giữa Đạo Phật với văn hóa dân tộc. Chủ yếu các triết lý nói về quy luật nhân quả, luân hồi, quan niệm về chữ tâm, về hạnh phúc… Từ đó, mọi người ý thức về Phật tánh đã sẵn có trong mỗi con người mà tự phản tỉnh để không phạm sai lầm và truyền bá sâu rộng trong xã hội. Nên Phật giáo đã gắn kết, ảnh hưởng trở thành mạch nguồn trong văn học Trung đại, góp phần làm cho kho tàng văn học Việt Nam thêm phong phú đa dạng. Từ đó, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng nước nhà ngày càng phồn thịnh, đạo pháp trường tồn.

Tài liệu tham khảo:
[1] Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb. Khoa học xã hội, tr.23, tr.23-24.
[2] Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Bộ giáo dục. Trung tâm học liệu, tr.117.
[3] Thích Đồng Bổn (2020), Những nhân vật Phật giáo nhà Mạc (1527 – 1593), Kỷ yếu hội thảo khoa học, tr.6.
[4] Thích Đồng Bổn (2020), Tlđd, tr.6-7.
[5] Thích Đồng Bổn (2020), Tlđd, tr.7.
[6]  Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân am thi tập, www.thivien.net, truy cập 27/11/2022.
[7] Nguyễn Phạm Hùng (7/2007), “Phổ Chiêu thiền sư Phạm Thái và những sáng tác văn học đặc sắc”, Tạp chí nghiên cứu Phật Học, số 4, tr.44.
[8] Thích Đồng Bổn (2019), Phật giáo và những dòng suy tư, Nxb. Hồng Đức, tr.51
[9] Thích Đồng Bổn (2019), Tlđd, tr.53.
[10] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Phật giáo thời Hậu Lê, tập 4, Nxb. Tôn giáo, tr.59-60
[11] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Sđd, tr.60.
[12] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Sđd, tr.67.
[13] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Sđd, tr.68.
[14] Thích Đồng Bổn (2019), Tlđd, tr.65.
[15] Thích Thái Hòa (2013), Đi vào bản nguyện Tịnh độ, Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, TP HCM, tr.71
[16] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.548
[17], [18] Thích Thái Hoà (2013), Sđd, tr.80
[19] Thích Thái Hoà (2013), Sđd, tr.81.
[20] Nguyễn Lang (2012), Sđd, tr.547-548.