Đầu Xuân khách thăm quan chùa Duyên Khánh( chùa Toại An )

Xã Đông Kỳ, xa xưa còn gọi là Trang Đội An (Sắc lệnh của vua Đinh cho các thị tộc trong nước Đại Cồ Việt lập thành các trang đội thế kỷ thứ X), hay còn gọi là Làng Đùi, rồi sau đổi thành tổng Toại An và là một trong 8 tổng của Phủ Tứ Kỳ xưa ( An Thổ, Hà Lộ, Mặc Xá, Mỹ Xá, Ngọc Lâm, Phan Xá, Tất Lại, Toại An).
Tổng Toại An gồm có 11 xã là: 1.Toại An, 2. An Nhân (xã Đông Kỳ cũ ), 3. La Tỉnh ( Tây Kỳ ), 4. La Giang, 5. Mỹ Ân, 6. Gia Xuyên( Văn Tố) , 7. Hữu Hiền ( Nhân Lý, Kim Đới, Hiền Sỹ - Tây Kỳ cũ ), 8. Kim Xuyên ( Vội - Tây Kỳ ), 9. Ngưu Uyên, 10. Quảng Xuyên, (thuộc Trại Vực - Tứ Xuyên và thôn Lập Lễ - Thanh Hà ), 11. Đôn Giáo.
Sắc lệnh số 63 của CP (26/4/1946), hợp nhất một số thôn Toại An, An Nhân, La Tỉnh, Hiền Sỹ, Kim Đới, Nhân Lý thành một đơn vị hành chính có tên là liên xã Chí Minh.
Giữa năm 1956 xã Chí Minh được chia thành Đông Kỳ và Tây Kỳ. Xã Đông Kỳ có 2 thôn là Toại An và An Nhân, Ngày 07 tháng 11 năm 1997 thôn An Nhân được tách ra từ xã Đông Kỳ, thôn La tỉnh được tách ra từ xã Tây Kỳ để thành lập Thị trấn Tứ Kỳ. Xã Đông Kỳ còn lại thôn Toại An nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là xã Đông Kỳ. Thôn Toại An (Trước năm 1945 từng có 6 ngôi chùa gồm: chùa Duyên Khánh, chùa Rím, chùa Nhỉ, chùa Chỗ, chùa Sắn và chùa Diềng); 1 Đình đặt ở vị trí xóm Me thuộc thôn Nam An; 3 ngôi Miếu (miếu Nhất hay còn gọi là Miếu Trần, Miếu Nhì hay còn gọi là Miếu Chỗ, Miếu Ba hay còn gọi miếu Cao Sơn),1 Văn Chỉ, văn bia cổ nhất hiện còn biết đến có nhắc đến "Toại An xã bi ký" ở chùa Duyên Khánh được khắc dựng năm Chính Hòa thứ 9 (1688).
Chùa Duyên Khánh thường được nhân dân trong vùng gọi là chùa Toại An hay chùa Cả (chùa chính) không rõ khởi dựng từ năm nào( được phỏng đoán vào thế kỷ XII hay XIII ). Thời vua Lê Hy Tông (1675-1705) thế kỷ XVI, chùa được trùng tu lần thứ nhất. Lần hai trùng tu vào thời vua Bảo Đại ngũ niên năm Kỷ Mão, (có ghi chép lại).
Chùa Duyên Khánh thiết kế chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, chiều dài 19m, tổng diện tích trên 360m2, nội thất trang trí hoành tráng. Các bức đại tự, câu đối lấp lánh sơn son thiếp vàng. Hệ thống tượng phật đồ sộ nguy nga, được bài trí từ trên cao xuống thấp tạo nên quần thể kiến trúc có nét nội công ngoại quốc. Tầng trên cùng thờ 3 pho Tam Thế, tầng thứ 2 thờ Đức Phật A Di Đà và Quan Âm Thế Trí, tầng 3 là tòa Cửu Long và Đức Phật Thích Ca Niết Bản, tầng 4 là 7 pho tượng Dược Sư, tầng 5 thờ 2 pho tượng Hộ Pháp và Di Đà. Từ cửa nhìn vào bên phải thờ Đức Thánh Ông, bên tay trái thờ Thánh Tổ Huyền Quang Đệ Trúc Lâm Yên Tử. Hầu hết các pho tượng cổ đều có niên hiệu trên 400 năm, trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện tại được lưu giữ khá nguyên vẹn. Đặc biệt trong đó có pho tượng cổ Thánh Tổ Huyền Quang Đệ Trúc Lâm Yên Tử là di sản lịch sử văn hóa quý báu.
Bên ngoài sân chùa có 7 tấm bia cổ được tạc dựng từ thời Trần và Hậu Lê, 3 tấm bia to ở trước cửa chùa, 1 tấm ghi lịch sử làng Tổng Toại, 1 tấm bia ghi chép về các vị thập phương tiến cúng, xây dựng và kiến thiết chùa, 1 bia ghi về lịch sử truyền thừa của các vị Tổ sư. Đầu hồi chùa còn 4 tấm hậu. Trên chùa có 1 bức cửa võng, 5 đôi câu đối, 4 bức đại tự và 1 bức cuốn thư, nội dung ca ngợi công đức của chư Phật và Bồ Tát. Trên mỗi một câu đầu đều chạm trổ họa tiết hoa văn lạ mắt như cá chép hóa rồng, tứ quý, tùng- cúc - trúc - mai mang đặc trưng của nét văn hóa thời nhà Lê.
Cạnh chùa còn 3 ngọn tháp cổ trong đó có 4 hài cốt của các vị tổ sư, 1 tháp thờ 1 vị đã làm đến chức Tăng Thống (tương đương với Pháp Chủ thời bây giờ), 1 tháp thờ chung 2 vị, 1 tháp trong nội tự đất chùa thờ hòa thượng Thích Thiện Kỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ 1 chuông cổ nặng 350kg, khắc nhiều chữ Hán, trong đó có khắc ghi quá trình lịch sử ngôi chùa.
Hưởng ứng thư kêu gọi của Chính quyền về sưu tầm các cổ vật để trang trí chùa Côn Sơn - Chí Linh to đẹp hơn, năm 1980, hòa thượng Thích Thiện Kỳ, trụ trì chùa Duyên Khánh cúng tiến 4 bức đại tự và 4 bức cửa võng của chùa, góp phần tô đẹp và tăng giá trị lịch sử cảnh quan chùa Côn Sơn.
Lớp cháu con của Tổng Toại xưa cũng như du khách thập phương muốn tìm một chốn bình yên, muốn tìm một ngôi chùa gỗ mang những nét độc đáo cổ xưa của Chùa cổ hãy về chùa Duyên Khánh - Thôn Toại An, Xã Chí Minh nhé !. Một ngôi chùa mang đậm dấu ấn của triều đại Trần - Lê ở thế kỷ 16,17 qua những lần trùng tu của thời kỳ. Những pho tượng cổ trải qua hàng hơn 400 năm, những tháp cổ, hàng bia đá khắc chữ Hán, chắc chắn sẽ nói lên sự linh thiêng, độc nhất của ngôi Chùa mà không nơi nào xung quanh đây có được.
P/s: Một buổi trải nghiệm ngoại khóa hướng về những nét văn hóa bản sắc cội nguồn của BGH và GV Tổ 4+5 Trường TH Văn Tố