Hải Phòng: Hàng ngàn người về chùa An Hồng tham dự Đại lễ Vu lan – Báo hiếu, PL. 2567
Tham dự buổi lễ có Đại đức Thích Giác Hảo – Ủy viên Ban trị sự GHPGVN huyện An Dương, trụ trì chùa An Hồng, trưởng Ban tổ chức Đại lễ, cùng chư Tôn đức Tăng tron chốn tru xứ, chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì một số chùa trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chư Tôn đức Tăng Ni các tỉnh thành lân cận và khoảng 3.000 người về tham dự đại lễ.
Về phía quan khách chính quyền địa phương có sự hiện diện của các ông bà lãnh đạo thuộc HĐND, UBND, UB MTTQVN xã An Hồng, huyện An Dương cùng các ban ngành đoàn thể huyện An Dương, xã An Hồng và một số xã khác trên địa bàn huyện.
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia hộ, chào đạo kỳ, quốc kỳ, một phút nhập từ bi quán tưởng nhớ đến chư vị lịch đại Tổ sư, các vị lãnh tụ qua các thời kỳ, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập dân tộc, Đại đức Thích Giác Hảo đã lên phát biểu khai mạc Đại lễ Vu Lan – Báo hiếu, PL. 2567 – DL. 2023 tại chùa An Hồng.
Tiếp đó, các em thanh thiếu niên Phật tử chùa An Hồng đã một lòng thành kính, trang nghiêm, dâng vật phẩm, hương đăng, trà, hoa quả lên trước bàn Phật tại chính điện để cúng dàng lên mười phương Chư Phật và dâng Y cúng dàng chư tôn đức Tăng Ni hiện tiền nhân mùa Vu lan – Báo hiếu.
Một phần nghi lễ rất quan trọng trong mỗi chương trình Vu lan đó là nghi lễ Bông hồng cài áo. Trước khi các Phật tử cài trên ngực mình những bông hồng với hai màu tượng trưng là màu đỏ và màu trắng. Hồng đỏ dành tặng cho những ai còn mẹ và hồng trắng dành cho những ai đã mất mẹ với dòng chữ trên mỗi bông hoa: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”; Đại diện Phật tử đã lên tuyên đọc ý nghĩa cài hoa hồng với giọng đọc trầm ấm, đầy xúc cảm khiến cho các Phật tử có mặt tại buổi lễ đã không khỏi xúc động khi nghĩ nhớ về công ơn của cha mẹ.
Cũng trong buổi lễ, toàn thể đạo tràng đã nghe Đại đức Thích Giác Hảo chia sẻ một thời Pháp thoại nói về nguồn gốc lịch sử của ngày lễ Vu Lan, cuộc đời của Bồ-tát Mục Kiền Liên. Đồng thời, Đại đức trụ trì cũng đã giải thích cho các Phật tử hiểu về ý nghĩa của ngày Rằm tháng 7, ngày xá tội vong. Đó là ngày để nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn nghĩ tưởng đến thâm ân của hai đấng sinh thành. Thể hiện sự hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ bằng những hành động, những việc làm cụ thể, nhất là lúc cha mẹ còn hiện tiền, noi theo tấm gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên Tôn giả. Đừng để lúc cha mẹ mất đi rồi mới thấy hối tiếc về những việc mình đã làm, đến lúc đó cho dù có hối tiếc đi chăng nữa thì cũng đã quá muộn màng.
Nhân đây, Đại đức trụ trì cũng đã hướng cho quý Phật tử những việc làm thiết thực như cúng dàng trai tăng, phóng sinh, tụng kinh, làm từ thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền cũng như cha mẹ đã quá vãng, cách cúng rằm tháng 7 sao cho đúng chính pháp; nếu chúng ta làm đúng chính pháp thì mới có lợi lạc, nương nhờ vào đó để báo đáp thâm ân của cha mẹ.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Tin: Thành Trung – Ảnh: Duy Khánh