Nam Định: Chung thất tưởng niệm cố HT Thích Hạnh Nghiêm
áng nay, ngày 11/09/2017( tức ngày 21/07 năm Đinh Dậu. Tại Tổ đình Thánh Ân (tức Chùa Cả ) - số 45 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, môn đồ pháp quyến cùng thân quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm tuần lâm chung thất cố Hòa thượng Thích Hạnh Nghiêm.
Quang lâm tham dự buổi lễ có: HT Thích Thanh Dục– UV TT HĐCM TƯ GHPGVN; HT Thích Minh Tâm– Thành viên HĐCM TƯ GHPGVN chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; HT Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS TƯ GHPGVN; HT Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Thông Tin Truyền Thông TƯ GHPGVN; HT Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN; HT Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTXH TƯ GHPGVN; TT Thích Quảng Hà – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; Cùng Chư Tôn thiền đức Tăng– Ni TT BTS GHPGVN tỉnh Nam Định, TT BTS các tỉnh thành, Tôn đức Tăng – Ni trong và ngoài tỉnh đồng tham dự buổi lễ.
Để tưởng niệm công đức cao dày của cố Hòa Thượng thượng Hạnh hạ Nghiêm, nguyên viện chủ Tổ đình Thánh Ân ( Chùa Cả ) Tp Nam Định – Tỉnh Nam Định. Một bậc chân tu khả kính, đã trọn đời dâng hiến sự nghiệp cho lý tưởng Phật pháp và hóa độ chúng sinh khắp mọi miền đất nước, cuộc đời Ngài là tấm gương sáng ngời đạo hạnh và uyên thâm giáo điển. Mặc dù thời gian có biến đổi, không gian có xoay vần, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn in đậm trong tâm tư ký ức của mỗi người con Phật. Thật là:
“Đèn dẫu tắt nhưng một thời tỏa sáng
Người không còn nhưng một thuở lưu danh”.
Hòa thượng Thích Hạnh Nghiêm, thế danh Đoàn Thế Hệ, sinh năm Mậu Tý (1948), tại xóm 5 thôn Sỹ Lâm Đông, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Đoàn Phú Tự pháp danh Huyền Cao, thân mẫu là cụ Phạm Thị Nhất pháp danh Diệu Hồ. Hòa thượng được sinh trưởng trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nhân từ, có nền nếp gia phong và kính tin Tam bảo. Hòa thượng là người con thứ 7 trong gia đình có 10 anh chị em, 6 trai, 4 gái. Nhờ đã gieo căn lành từ nhiều kiếp, sớm giác ngộ được cõi đời là huyễn, thế sự phù du, năm 7 tuổi(1955) Hòa Thượng được song thân cho ra chùa làng Sỹ Lâm Đông( Phúc Lâm Tự) cầu xin được xuất gia.
Hoà Thượng đã có những đóng góp, những công đức to lớn góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước. Ngài là một bậc Tôn sư khả kính đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt môn đồ đệ tử trưởng thành, noi gương từ, bi, hỷ, xả, tự giác, giác tha của Ngài để bền vững đạo tâm và trang nghiêm giáo hội.
Tiếp nối hạnh nguyện của chư vị tiền bối Tổ sư, Ngài luôn nỗ lực phấn đấu trang nghiêm tự thân, trang nghiêm giới đức, cập nhật hóa những tri thức Phật học tùy thời để phổ độ chúng sinh. Hai mươi ba năm xây dựng và trưởng thành của Trường TCPH tỉnh Nam Định luôn gắn liền với công lao to lớn của Hòa Thượng. Người đã tham gia giảng dạy, đào tạo hơn 700 Tăng Ni cho Phật giáo tại trường TCPH tỉnh Nam Định. Người đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng:
- Huân chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ
- Kỷ niệm chương của Ủy Ban Trung ương MTTQ VN
- Kỷ niệm chương của Ban Dân Vân Trung Ương
- Kỷ niệm chương của Bộ Công An
- Bằng Tuyên dương công đức của GHPGVN
Và nhiều huân huy chương cao quý, bằng giấy khen các cấp, các Ban ngành khác.
Hôm nay, trăng lạnh phương bào, mây mờ viên đãnh, Cố Hòa thượng đã thuận lý vô thường, trở về với Pháp giới Chân như, để lại một sự mất mát to lớn cho Giáo hội, chúng con và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước không sao tìm lại được trong kiếp người hữu hạn. Song công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư và ký ức của mọi người. Nhất là đèn thiền còn tỏa sáng, đuốc huệ tiếp tục rạng soi, chư tôn Giáo phẩm, toàn thể Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam mãi mãi nguyện đoàn kết một lòng trong tình Pháp lữ, nghĩa linh sơn trong sáng đời đời. Tất cả chúng con là những người bạn đồng hành, đồng sự còn ở lại, nguyện kề vai thích cánh bên nhau, nối tiếp sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, lợi lạc chúng sinh, duy trì và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm, phát triển bền vững, góp phần thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Trong thế giới Niết bàn vô cùng bất diệt, Pháp thân hiện hữu khắp mười phương, nơi bảo tháp trang nghiêm, thân tứ đại Hòa thượng hãy an nghỉ cho nghìn thu vang bóng, mãnh hình hài lồng lộng tợ hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy cùng Pháp giới vô biên.