Trong dịch COVID-19, Đoàn làm gì để chung tay với cả nước?

Mở đầu buổi làm việc sáng 25-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, phong trào Đoàn làm gì để chung tay với cả nước?

 
Trong dịch COVID-19, Đoàn làm gì để chung tay với cả nước? - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc sáng 25-3 với Trung ương Đoàn - Ảnh: VGP

Sáng 25-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Trung ương Đoàn về thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Trung ương Đoàn trong thời gian qua.

Cuộc làm việc thường niên diễn ra nhân kỷ niệm 89 năm thành lập Đoàn (26-3-1931 - 26-3-2020). Đây cũng là năm đầu tiên tổ chức Đoàn không tổ chức lễ kỷ niệm trước tình hình dịch COVID-19.

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng đặt vấn đề: Trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta đang vận động toàn dân chống dịch, phong trào Đoàn làm gì để chung tay với cả nước?

Tổ chức tốt cho thời điểm hậu dịch

Thủ tướng nhấn mạnh, trước mắt là chống dịch tốt, giải quyết những vấn đề sau dịch cũng là vấn đề lớn trong năm nay. Vậy cách thức làm việc mới như thế nào? Thủ tướng tiếp tục đặt vấn đề. Nhà nước cần làm gì để tiếp tục tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên, phong trào Đoàn trong giai đoạn có dịch và hậu dịch?

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ không chỉ 6,3 triệu đoàn viên tham gia khai báo y tế mà còn vận động hướng dẫn, giúp đỡ người dân khai báo y tế, giúp phân loại được người cao tuổi, người có bệnh nền, người yếu thế, người có nguy cơ.

"Bên cạnh màu áo xanh biên phòng thì màu áo xanh thanh niên sẽ là tấm gương quý trong lúc này để thúc đẩy ngăn ngừa dịch bệnh ở nước ta", Thủ tướng nói.

Trong dịch COVID-19, Đoàn làm gì để chung tay với cả nước? - Ảnh 2.

Thủ tướng tặng quà cho các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019 - Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng gần 3 tháng qua, cán bộ đoàn viên, thanh niên các cấp đã làm nhiều việc, xung kích thực hiện "chống dịch như chống giặc" như tổ chức các điểm rửa tay, sinh viên ngành y tình nguyện hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, nhóm phát khẩu trang miễn phí…

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nước ta, thanh niên phải phát huy vai trò tiên phong, bản lĩnh, nhiệt huyết, vượt qua khó khăn, thử thách, có hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến, có sức sáng tạo mới để phục vụ nhân dân, đất nước. Đồng thời phải tổ chức lại công việc, chuẩn bị tốt cho thời điểm hậu dịch.

Thủ tướng yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ của đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động phòng chống dịch, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ phòng chống dịch; ban hành kế hoạch tổ chức các đội hình thanh niên, sinh viên tình nguyện; phát huy sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, đặc biệt đội ngũ trí thức trong phòng chống dịch bằng các giải pháp công nghệ mới, phù hợp.

Nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng phối hợp công tác giữa Chính phủ và Đoàn thanh niên, Thủ tướng cho rằng không phải chỉ chờ đến họp định kỳ mới phối hợp mà những vấn đề quan trọng, cần thiết của Đoàn thanh niên và các hội cũng nên có sự quan tâm của các cơ quan.

"Tôi khuyến khích các phó thủ tướng, các bộ trưởng cũng như các cấp chính quyền dành thời gian nhiều hơn cho công tác thanh niên, hỗ trợ thanh niên" - Thủ tướng nói.

Lắp đặt trạm rửa tay dã chiến, vận động ủng hộ phòng chống dịch

Tại cuộc làm việc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong báo cáo với Thủ tướng về kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn thanh niên.

Trong tình hình dịch COVID-19, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lắp đặt 150 trạm rửa tay dã chiến trị giá 6,5 tỉ đồng; tặng 40.000 bánh xà phòng cho các điểm tuyên truyền của Đoàn thanh niên; vận động 10 tỉ đồng để mua 10.000 bộ kit thử nhanh COVID-19; tổ chức cuộc thi cover theo bài nhảy "Vũ điệu rửa tay" tuyên truyền về phòng chống dịch…

Cùng với đó, giới thiệu mô hình xây dựng các "điểm rửa tay" sáng tạo từ vật dụng tái chế phục vụ người dân tại các điểm công cộng (sử dụng lốp xe tái chế kết hợp chậu inox để làm những chậu rửa đẹp mắt với chi phí thấp); mô hình "shipper" mang bài tập đến tận tay các em học sinh, học sinh ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin.