Độc đáo chùa Duyên Khánh
Kiến trúc cổ kính
Chùa Duyên Khánh thường được nhân dân trong vùng gọi là chùa Toại An. Đến nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu ghi chép cụ thể về năm khởi dựng của chùa. Chùa quay phía bắc, hướng ra sông Thái Bình. Đến thời Trần (thế kỷ XIII), vua Trần Nhân Tông rời bỏ kinh đô lên chùa Yên Tử tu hành, lập ra thiền phái Trúc Lâm, nhà Trần khuyến khích các nơi phát triển chùa, đội An Trang xây thêm 8 chùa nữa mỗi xóm 1 chùa, chùa Duyên Khánh là chùa Cả. Đến thời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1729) thì chỉ còn chùa Duyên Khánh.
Tượng thờ Thánh Tổ Huyền Quang Đệ Trúc Lâm Yên Tử
Thời vua Lê Hy Tông (1675-1705) thế kỷ XVI, chùa được trùng tu lần thứ nhất. Lần hai trùng tu vào thời vua Bảo Đại ngũ niên năm Kỷ Mão, có ghi chép lại.
Chùa Duyên Khánh thiết kế chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, chiều dài 19m, tổng diện tích trên 360m2, nội thất trang trí hoành tráng. Các bức đại tự, câu đối lấp lánh sơn son thiếp vàng. Hệ thống tượng phật đồ sộ nguy nga, được bài trí từ trên cao xuống thấp tạo nên quần thể kiến trúc có nét nội công ngoại quốc. Tầng trên cùng thờ 3 pho tam thế, tầng thứ 2 thờ Đức Phật A Di Đà và Quan Âm Thế Trí, tầng 3 là tòa Cửu Long và Đức Phật Thích Ca Niết Bản, tầng 4 là 7 pho tượng Dược Sư, tầng 5 thờ 2 pho Hộ Pháp và Di Đà. Từ cửa nhìn vào bên phải thờ Đức Thánh Ông, bên tay trái thờ Thánh Tổ Huyền Quang Đệ Trúc Lâm Yên Tử. Hầu hết các pho tượng cổ đều có niên hiệu trên 400 năm, trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện tại được lưu giữ khá nguyên vẹn. Đặc biệt trong đó có pho tượng cổ Thánh Tổ Huyền Quang Đệ Trúc Lâm Yên Tử là di sản lịch sử văn hóa quý báu.
Tài liệu cúng tiến các cổ vật của chùa Duyên Khánh về chùa Côn Sơn
7 tấm bia cổ được tạc dựng từ thời Trần và Hậu Lê. 3 tấm bia to ở trước cửa chùa, 1 tấm ghi lịch sử làng Tổng Toại (bây giờ là thôn Bắc An), 1 tấm bia ghi chép về các vị thập phương tiến cúng, xây dựng và kiến thiết chùa, 1 bia ghi về lịch sử truyền thừa của các vị tổ sư. Đầu hồi chùa còn 4 tấm hậu. Trên chùa có 1 bức cửa võng, 5 đôi câu đối, 4 bức đại tự và 1 bức cuốn thư, nội dung ca ngợi công đức của chư Phật và Bồ Tát. Trên mỗi một câu đầu đều chạm trổ họa tiết hoa văn lạ mắt như cá chép hóa rồng, tứ quý tùng-cúc-trúc-mai mang đặc trưng của thời nhà Lê.
Hoa văn chạm khắc tinh xảo
Trong chùa còn 3 ngọn tháp cổ trong đó có 4 hài cốt của các vị tổ sư, 1 tháp thờ 1 vị đã làm đến chức Tăng Thống (tương đương với Pháp Chủ thời bây giờ), 1 tháp thờ chung 2 vị, 1 tháp trong nội tự đất chùa thờ hòa thượng Thích Thiện Kỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ 1 chuông cổ nặng 350kg, khắc nhiều chữ Hán, trong đó có khắc ghi quá trình lịch sử ngôi chùa.
Bức cửa võng được bảo lưu gần như nguyên vẹn
Niềm tự hào
Hưởng ứng thư kêu gọi của chính quyền về sưu tầm các cổ vật về trang trí chùa Côn Sơn to đẹp hơn, năm 1980, hòa thượng Thích Thiện Kỳ, trụ trì chùa Duyên Khánh cúng tiến 4 bức đại tự và 4 bức cửa võng của chùa, góp phần tô đẹp cảnh quan chùa Côn Sơn.
Năm 2011, nhà chùa xây nhà thờ tổ 2 tầng, mỗi tầng 5 gian, tầng trên thờ Tứ Phủ Thánh Mẫu, tầng dưới thờ các vị tổ sư. Năm 2017, tiếp tục xây cổng tam quan. Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Bắc An cho biết bức tường quanh chùa từ lâu đã bị xuống cấp, nhiều chỗ bị đổ vỡ nên nhân dân cùng nhà chùa quyên góp xây dựng 2 bức tường phía trước và sau ngôi chùa tổng chiều dài khoảng 140m, hoàn thành vào năm 2021.
Chuông cổ nặng 350 kg được khắc nhiều chữ Hán
Đến nay, chùa có 7 đời truyền thừa. "Chính quyền địa phương cùng nhà chùa luôn gìn giữ, bảo tồn, mở rộng cảnh quan, không những để lại những giá trị độc đáo hiếm có mà còn đáp ứng nguyện vọng cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân địa phương, để đi xa ai cũng nhớ về", đại đức Thích Tâm Đức, trụ trì đời thứ 7 cho hay.
QUỲNH MAI