Hoà thượng Tịnh Không: Người tiên phong sử dụng internet phổ cập Phật học Thiện Minh

Hoà thượng Tịnh Không: Người tiên phong sử dụng internet phổ cập Phật học

 
 

Hoà thượng Tịnh Không thế danh Từ Nghiệp Hồng, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1927, tại huyện Lư Giang, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

 

Thời thiếu niên ngài học ở Trường Trung học Quốc Lập Thứ Ba và Trường Trung học Nam Kinh Thị Lập Thứ Nhất. Năm 1949 ngài đến Đài Loan, phục vụ ở Thật Tiễn Học Xã, lúc có thì giờ ngài nghiên cứu học tập kinh sử triết học. Năm 26 tuổi bắt đầu học Phật và ăn chay trường, đầu tiên cầu học với nhà triết học Giáo sư Phương Đông Mỹ (1 năm). Kế đến theo học với cao tăng Mật tông Đại Sư Chương Gia (3 năm). Sau cùng đến Đài Trung cầu pháp với nhà Phật học Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam (10 năm).

Năm 1959 (33 tuổi) ngài thế độ ở chùa Lâm Tế, vùng Viên Sơn, Thành phố Đài Bắc, pháp danh là Tịnh Giác, pháp tự là Tịnh Không. Sau khi thọ giới cụ túc ngài đi khắp nơi giảng kinh thuyết pháp ở Đài Loan và các nước trên thế giới. Trước sau đã giảng giải như: kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, Tịnh Độ Ngũ Kinh (kinh Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện), kinh Kim Cang, kinh Địa Tạng, kinh Phạm Võng, kinh Nhân Vương, kinh Đại Bát-nhã Cương Yếu, Bát-nhã Tâm Kinh, kinh Bát Đại Nhân Giác, kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Thù Thắng Chí Lạc, kinh Đương Lai Biến, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, kinh Kiết Hung, Lục Tổ Đàn Kinh, Sa-di Luật Nghi Yếu Lược, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Vãng Sanh Luận, Đại Trí Độ Luận, Bách Pháp Minh Môn Luận, Duy Thức Nghiên Cứu, Bát Thức Quy Củ Tụng, Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm, Phật giáo Tam tạng kinh điển mấy mươi bộ. Ngoài ra, ngài còn giảng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và Liễu Phàm Tứ Huấn, còn có chương trình Nhân Ái Hòa Bình Giảng Đường, giảng kinh thuyết pháp đã hơn 60 năm chưa từng gián đoạn.

Tôn dung Hoà thượng Tịnh Không.

Tôn dung Hoà thượng Tịnh Không.

Khai thị niệm Phật của Hoà thượng Tịnh Không

Ngài tinh thông kinh luận của các tông phái Phật giáo và học thuyết của những tôn giáo khác như Nho, Đạo, Kitô, Islam v.v… Đặc biệt đối với Tịnh độ tông Phật giáo, ngài tận tâm tận lực chuyên tu chuyên hoằng, được thành tựu rất là huy hoàng. Hiện nay, có phát hành nhiều loại băng giảng cassette, băng giảng video, đĩa CD, đĩa VCD, DVD, có đến mấy ngàn tập. Hơn nữa, ngài là người tiên phong trong việc áp dụng kĩ thuật truyền thông đa phương tiện Internet để phổ cập Phật học với trọng tâm là pháp môn Tịnh độ. Các bài giảng của Hòa thượng có thể tìm thấy phổ biến trên các trang Website, YouTube bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Hoà thượng luôn nhấn mạnh, Phật giáo không phải là tôn giáo, không phải là triết học, Phật giáo là giáo dục Phật-đà, dựa vào trí tuệ và từ bi để thành đạo, chứ không phải là tôn giáo mê tín dị đoan.

Hòa Thượng Tịnh Không được xem là người có công phục hưng Tịnh độ tông với việc cống hiến cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, thực hành và truyền bá pháp môn Tịnh Độ, là một pháp môn mà ông đã đạt được những thành tựu lớn nhất.

Do niên cao lạp trưởng, Đại Lão Hòa Thượng Pháp sư Tịnh Không đã thu thần viên tịch vào lúc 02 giờ sáng ngày 26 tháng 07 năm 2022 tại chùa Cực Lạc, Đài Nam, Đài Loan. Hưởng thọ 95 tuổi.

 

Hoà Thượng Tịnh Không là tác giả của những quyển sách sau:

The Art of Living (Tạm dịch: Nghệ thuật sống)

Buddhism as an Education (Tạm dịch: Phật giáo là một nền giáo dục)

Buddhism: The Awakening of Compassion and Wisdom (Tạm dịch: Phật giáo: Sự thức tỉnh của từ bi và trí tuệ)

The Collected Works of Master Chin Kung (Tạm dịch: Pháp Ngữ của Hoà Thượng Tịnh Không)

Path to True Happiness (Tạm dịch: Con đường đến hạnh phúc chân thực)

To Understand Buddhism (Tạm dịch: Để thấu hiếu Phật giáo)

HỖ TRỢ CHÚNG TÔI

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Hỗ trợ duy trì Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam)

“Chúng tôi tin rằng sự tài trợ của các bạn không chỉ giúp chúng tôi làm tốt phận sự của mình mà còn gia tăng mãnh liệt năng lượng sự thiện tâm của chính bạn tới cộng đồng” (Cư sĩ Thiện Đức, Trưởng Ban Biên tập).