Có cần tinh gọn tổ chức bộ máy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không?
Hiện nay, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Chính quyền các cấp đang rất tích cực, khẩn trương, quyết liệt thực hiện cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy. Câu hỏi mà một số người đặt ra là có cần tinh gọn tổ chức bộ máy của GHGPVN hay không?
Theo chúng tôi, dựa trên bộ máy tổ chức quy định trong Hiến chương cũng như thực hiện tiễn hoạt động của Giáo hội, việc tinh gọn bộ máy tổ chức của Giáo hội là không cần thiết, vì một số lý do sau đây:
Thứ nhất, GHPGVN không phải là cơ quan quản lý nhà nước, mà là một tổ chức hội đoàn, tập hợp các chức sắc và nhà sư đến từ các tự viện, hầu hết (trừ một số trường hợp) nhân sự của Giáo hội không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tức là nhu cầu tinh gọn để giảm chi từ ngân sách Nhà nước là không đáng kể.
Thứ hai, là một tổ chức hội đoàn tôn giáo đa dạng về hệ phái, vùng miền, tính địa phương, tính đặc thù hoạt động, tinh thần đoàn kết – hòa hợp, “vui vẻ cả làng” là quan trọng. Mặc dù không ai nói ra, nhưng càng nhiều “ghế”, càng nhiều ban ngành thì càng dễ sắp xếp nhân sự, càng dễ đoàn kết.
Thứ ba, việc việc sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo các cấp, nhất là ở cấp trung ương khi tinh gọn bộ máy Giáo hội sẽ rất phức tạp, tế nhị, mất thời gian, khó khả thi, nếu xét sự phát triển, kế thừa về nhân sự qua các kỳ Đại hội, trong khi lợi ích thu lại là khó đánh giá.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Nhu cầu tinh gọn bộ máy của Giáo hội là có, nếu xét trên khía cạnh tối ưu hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Do tính chất nhạy cảm của vấn đề, chúng tôi sẽ không đề cập vấn đề này trong khuôn khổ bài viết, mà hẹn quý độc giả vào các bài viết khác. Đặt giả thiết tinh gọn, tổ chức bộ máy của GHPGVN có thể được tinh gọn như thế nào?
Cơ cấu tổ chức hai hội đồng gồm Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự là hợp lý, phù hợp với mô hình của tổ chức Phật giáo.
Các ban viện của Hội đồng Trị sự có thể được tinh gọn như sau:
– Ban Tăng sự; Ban Kiểm soát và Ban Pháp chế hợp nhất thành Ban Tăng sự
– Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Hoằng pháp hợp nhất thành Ban Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử.
– Ban Văn hóa và Ban Nghi lễ hợp nhất thành Ban Văn hóa – Nghi lễ
– Ban Kinh tế – Tài chính hợp nhất với Ban Từ thiện Xã hội thành Ban Kinh tế – Từ thiện xã hội
– Giải tán ban Phật giáo Quốc tế và chức năng của Ban này sẽ được đưa vào Văn phòng Giáo hội
– Ban Giáo dục Phật giáo và Ban Thông tin Truyền thông giữ nguyên như hiện nay.
Riêng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nên coi là một tổ chức trực thuộc Giáo hội giống như các Học viện Phật giáo, thay vì xếp nó ngang các các ban như hiện nay.
Trên đây là một vài suy nghĩ sơ khởi về việc tinh gọn bộ máy tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được trình bày để nêu vấn đề, không có tính chất kiến nghị.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.