Hãy cẩn trọng với những môn phái dạy niệm Phật theo lối sai lầm
Lại có những vị vì chưa thông hiểu hay nhận thức sai lạc về Tịnh Độ, nên sinh ra bài báng, như: “Tịnh Độ là môn hành trì của ông già bà cả, hạng căn cơ thấp kém”, “Tu Tịnh Độ là ỷ lại yếu hèn, không thể tự lực giải thoát nổi, phải nhờ cậy vào tha lực”, hay “Niệm Phật là pháp hủ bại chờ chết, chỉ độ tử chứ không độ sinh”. Những sự lạm dụng và hiểu lầm trên đây, có mối hại dẫn dắt quần chúng theo đường tà, khiến niềm tin của người niệm Phật thoái chuyển và bị hủy hoại, nên cần phải giải thích để làm sáng tỏ pháp môn Tịnh Độ.
Bước đầu vào cửa Tịnh Độ, cần có sự tin hiểu chính xác, nếu thiếu đức tin làm sao phát nguyện và hành trì? Đại lược có ba hạng người gây sự giảm phá cho giáo thuyết Tịnh Độ. Một là hạng người thế gian không tin nhân quả, Phật pháp, nên hủy báng niệm Phật. Hai là hạng tu theo bàng môn lạm dụng hình thức Phật pháp, chỉ dạy niệm Phật theo lối sai lầm. Ba là những người trong chính pháp, sự nhận thức đối với môn Tịnh Độ còn nông cạn đơn sơ, nên xem thường và bài báng.
Ảnh minh họa.
Những ngoại đạo mượn pháp môn Tịnh độ để tu luyện
Có những người cũng ở chùa hay am cốc, nhưng không học hiểu Phật pháp, chỉ tu luyện theo bàng môn. Những người này có đồ chúng của họ, đều bí mật truyền đạo cho nhau. Nhiều người tuy nói tham thiền, song kỳ thật chuyên luyện điển, hoàn toàn không hiểu Thiền là gì. Đối với môn Tịnh Độ, họ bảo phải quán tưởng câu niệm Phật từ đơn điền thẳng tắt ra sau lưng, đi dọc lên theo xương sống rồi vòng xuống trở lại đơn điền, gọi là chuyển pháp luân. Đó là cách luyện khai thông hai mạch Nhâm, Đốc, theo ngoại phái, không phải của đạo Phật. Có kẻ dạy phải nín thở niệm Phật luôn một hơi, rồi nuốt ực nước bọt một cái, gọi là để củng cố chân nguyên. Có kẻ đem sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật bố khắp châu thân. Có người lại giải thích Kinh A Di Đà theo ngoại thuyết như: Ao sen thất bảo là bao tử, bảy hàng cây báu là xương sườn, bát công đức thủy là máu, tủy, và các thứ nước không sạch trong thân... Những kẻ đã mượn Phật pháp để tu theo ngoại đạo này đâu phải là chính tín, làm sao được vãng sinh giải thoát?
Những người là đệ tử chính thức của Phật nhưng không tin Tịnh Độ Tông còn sinh lòng hủy báng
Có nhiều vị tuy tin hiểu pháp Niệm Phật, công nhận lời Phật dạy về môn này, song Tịnh Độ không phải là tâm niệm sở thích của họ, nên họ tu theo các môn khác. Những người này đều là những bậc tu hành trong Phật pháp. Song cũng có một ít người vì học theo giáo lý của các tông phái khác, không hiểu sâu về Tịnh Độ, lại do tư tưởng môn đình, chẳng những không tin Tịnh Độ Tông còn sinh lòng hủy báng.
Lệ như có người theo Thiền Tông, mới tu học Thiền chưa bao lâu, đã phản đối niệm Phật. Họ đâu biết rằng nhiều bậc đại đức cao tăng khi xưa như các Ngài: Vĩnh Minh Thiền sư, Tử Tâm Tân Thiền sư, Thiên Y Hoài thiền sư, Viên Chiếu Bản thiền sư, Từ Thọ Thâm thiền sư, Nam Nhạc Tư thiền sư, Pháp Chiếu thiền sư, Tịnh Yếu thiền sư, Tịnh Từ Đại Thông thiền sư, Thiên Thai Hoài Ngọc thiền sư, Đạo Trân thiền sư, Đạo Xước thiền sư, Tỳ Lăng Pháp Chân thiền sư, Cô Tô Thủ Nạp thiền sư, Bắc Nhàn Giản thiền sư, Thiên Mục Lễ thiền sư v.v... là những vị siêu xuất bên Thiền Tông, sau khi tham ngộ được minh tâm kiến tính, đều quy hướng về Tịnh Độ. Những vị này đối với Thiền, họ là bậc đại tri thức hoằng hóa về tông môn, đối với Tịnh, họ là bậc danh đức khuyên dạy niệm Phật. Điều này có thể chứng minh Tịnh Độ và Thiền đều không chướng ngại nhau, hà tất phải đem lòng hủy báng?
Lại như một vị cao tăng mới thị tịch gần đây là Hư Vân thiền sư, ai cũng nhận là bậc siêu ngộ; nhưng khi ở Thiền Đường thì Ngài giảng về đạo lý tham thiền, ở Niệm Phật Đường Ngài lại khuyên dạy về niệm Phật. Với môn Tịnh Độ chẳng những Ngài không phản đối mà lại còn tán dương.
Mấy điều kiểm duyệt như trên, người niệm Phật cần phải biết qua, nhận định đâu là tà chính ngụy chân, để giữ vững lòng tin trên bước đường tu tiến.
(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”
HT. Thích Thiền Tâm
Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)