Chiều ngày 31/3/2024, Ban HDPT TƯ GHPGVN long trọng tổ chức lễ bế mạc Hội thảo khoa học quốc gia Phát huy truyền thống “phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường” tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Quang lâm chứng minh và tham dự có HT.Thích Thanh Điện – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN – Phó TT Ban HDPT TƯ, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; TT.Thích Phước Nghiêm – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng II TƯGH, Phó ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN; TT. Thích Quảng Tuấn – Phó Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN; TT.Thích Quảng Tiến – Ủy viên HĐTS, Phó Chánh VP 2 Trung ương, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban HDPT Trung ương GHPGVN; HT. Thích Chơn Không – Phó Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN; HT. Thích Duy Trấn – Phó Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN; ĐĐ. Thích Chân Tín – Phó Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các tỉnh thành trong cả nước.
PGS, TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; GS.TS Đỗ Quang Hưng – Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đông đảo quý Phật tử cùng đến tham dự buổi hội thảo.
Thay mặt Ban Tổ chức, HT.Thích Thanh Điện – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN – Phó TT Ban HDPT TƯ, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu tán thán công đức của chư tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đóng góp tham luận cho Hội thảo được thành tựu viên mãn.
Hội thảo Khoa học quốc gia năm 2024 của Ban HDPT TƯ GHPGVN với chủ đề “Phát huy truyền thống “Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường” do Ban HDPT TW kết hợp với UB TW MTTQVN, Trường ĐH KHXH&VN được tổ chức vào ngày 31/3/2024, tại Hội trường Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, Thủ đô Hà Nội với các chủ đề được bàn thảo rất hoan hỷ, cởi mở trên tinh thần khoa học.
Cùng với chủ đề lớn các chủ đề bàn về: tinh thần “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của các bậc thiền sư thời Lý, Trần; và Phật giáo thời Lý, Trần: bối cảnh, đặc điểm và dấu ấn lịch sử, đã được diễn ra rất sôi nổi ở 03 hội trường buổi chiều cùng ngày. Hội thảo đã được lắng nghe hơn 20 tham luận của các nhà khoa học, quý tôn đức lãnh đạo các cấp Giáo hội.,
Tại Hội thảo Quý đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi và chia sẻ tại hai phiên: Phiên Tổng thể diễn ra vào buổi sáng ngày 31/3/2024 với 05 bài tham luận của các Giáo sư, nhà khoa học hàng đầu.
Các bài tham luận của quý vị học giả, các nhà khoa học đã bám sát và xoay quanh chủ đề. Sau khi được phản biện và đạt yêu cầu chất lượng, các bài viết đã được sắp xếp, phân loại vào các cuốn sách kỷ yếu phù hợp với chủ đề hội thảo. Ngoài ra các bài viết tiêu biểu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín như 03 bài báo có chỉ số Scopus, 9 bài đăng ở Tạp chí Công tác nghiên cứu tôn giáo.
Các phiên của hội thảo đã được các học giả, nhà khoa học chuẩn bị công phu, có chiều sâu cả về mặt lý luận và thực tiễn với nội dung và phương pháp nghiên cứu đa dạng, có hàm lượng khoa học cao.
Sau bốn lần Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp Quốc gia, hội thảo khoa học Quốc gia lần này tiếp tục quy tập được nhiều bài viết với nội dung phong phú, có chất lượng. Hội thảo được chư tôn đức Tăng Ni, quý vị đại biểu, quan khách, các học giả, các nhà khoa học công tác trên nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều tỉnh thành.
Ban tổ chức Hội thảo mong muốn trong tương lai, chư tôn đức, Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đồng bào, Phật tử tiếp thu tinh thần hội thảo; phát huy truyền thống “Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân” của Phật giáo, vận dụng những ý kiến quý báu đã được quý học giả, các nhà khoa học đóng góp. Từ đó, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương cũng tiếp thu, tăng cường các hoạt động nhằm phát huy tinh thần nêu trên để góp phần xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh, hùng cường, Nhân dân được an trú trong hòa bình, hạnh phúc, phồn vinh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch bệnh gây ra, tình trạng xung đột tên thế giới vẫn còn tiếp diễn.