Ý nghĩa chân chính của việc “đốt liều” trong Phật giáo
Những vết sẹo này hình thành từ việc dùng một loại hương để đốt trên đầu, trong Phật giáo Việt Nam gọi là “Tấn Hương” hay “Đốt Liều”, Phật giáo Trung Quốc thì gọi là “thiêu Giới ba 燒戒疤” tức đốt để tạo thành vết sẹo biểu trưng cho Giới. “Đốt Liều” bắt đầu xuất hiện vào đời nhà Nguyên (TQ), thời Đường Tống còn chưa xuất hiện việc này.
Tất cả những tên gọi và hình thức đốt liều hay các việc lấy thân cúng dường có nguồn gốc từ kinh Pháp Hoa, ban đầu có ý nghĩa chân chính hết sức uyên thâm, theo thời gian đã xuất hiện những cách hiểu, dụng tâm và thực hành lệch lạc làm mất đi yếu nghĩa ban đầu.
“Ta xả bỏ hai tay (dụ cho pháp tương đối) ắt sẽ được thành Phật”.
Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự có nói : “Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ-tát (tiền thân Dược Vương Bồ-tát) nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức thuyết Kinh Pháp Hoa liền ham tập khổ hạnh, tinh tấn tu hành, được hiện nhứt thiết sắc thân tam muội. Trước dùng vật chất cúng dường Phật, sau nghĩ chẳng bằng lấy thân cúng dường, liền dùng sức nguyện thần thông mà tự thiêu thân, ánh sáng chiếu khắp tám mươi ức Hằng hà sa số thế giới. Chư Phật trong đó đồng thời tán thán rằng : “Đó là chơn thật tinh tấn gọi là chơn pháp cúng dường Như-lai”.”
Việc đốt liều theo cách hiểu hiện nay là đốt để cúng dường Phật, như một hình thức “lấy thân cúng dường”.
Nhưng tiếp mạch Kinh văn lại có nói : “Ta xả bỏ hai tay ắt sẽ được thành Phật”. Nên nói : “Dùng thất bảo đầy đại thiên thế giới để cúng Phật, chẳng bằng thọ trì tứ cú kệ của kinh này.“
Như vậy, bản ý của việc lấy thân cúng dường không phải hoàn toàn nằm ở chỗ hủy hoại thân thể, chặt bỏ hai tay mà ở chỗ “thọ trì tứ cú kệ”.
Tinh thần chân chính của Phật Pháp là ở chỗ “Phá Ngã Chấp”, nếu chỉ hiểu đơn thuần hủy hoại thân xác để cúng dường thì chỉ tăng thêm Ngã chấp chứ không phá được Ngã chấp. Nếu đặt tinh thần “Phá Ngã Chấp” và câu “thọ trì tứ cú kệ” này liên hệ lại với nhau, chúng ta sẽ hiểu đoạn Kinh trên như thế nào?
Uy lực phi thường của việc cúng dường Đức Phật
Cúng dường đúng pháp là phải phá Ngã chấp.
Tôi xin trích dẫn lời của Thiền sư Thích Duy Lực trong Yếu chỉ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa để làm sáng tỏ vấn đề trên :
“Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ-tát (tiền thân Dược Vương Bồ-tát) nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức thuyết Kinh Pháp Hoa liền ham tập khổ hạnh, tinh tấn tu hành, được hiện nhứt thiết sắc thân tam muội. Trước dùng vật chất cúng dường Phật, sau nghĩ chẳng bằng lấy thân cúng dường, liền dùng sức nguyện thần thông mà tự thiêu thân, ánh sáng chiếu khắp tám mươi ức Hằng hà sa số thế giới. Chư Phật trong đó đồng thời tán thán rằng : “Đó là chơn thật tinh tấn gọi là chơn pháp cúng dường Như-lai”.
Trí Giả Đại-sư (Tổ thứ ba tông Thiên Thai) đọc đến câu này liền được chứng ngộ.
Đây tỏ rõ “Ngộ pháp vô sanh” (phá hết ngã chấp) mới được gọi là “Chơn pháp cúng dường”. Cũng như kinh nói : “Ư chư thí trung, tối tôn tối thượng”, chẳng phải dùng tất cả vật chất khác bố thí mà có thể so sánh bằng.
“Ta xả bỏ hai tay (dụ cho pháp tương đối) ắt sẽ được thành Phật”. Nên nói : “Dùng thất bảo đầy đại thiên thế giới để cúng Phật, chẳng bằng thọ trì tứ cú kệ của kinh này”. (lìa có, lìa không, lìa chẳng có chẳng không, lìa cũng có cũng không, gọi là lìa tứ cú, cũng là lìa pháp tương đối, cũng là thọ trì tứ cú kệ của kinh này).” (Yếu chỉ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự – Ts Thích Duy Lực)
Như vậy, “thọ trì Tứ cú kệ” chính là lìa pháp tương đối, có lìa pháp tương đối mới có thể thành Phật.
Theo thầy Thích Đạo Hiền, ý nghĩa chân chính của việc “lấy thân cúng dường” chính là phá trừ Bản Ngã và Tri Thức, đối với việc đốt liều là đốt Bản Ngã và Tri Thức.
Việc đốt liều hay bất kỳ sự lấy thân cúng dường nào khác vốn có ý nghĩa cao đẹp.
Theo cách hiểu nông cạn của tôi Tri Thức làm gia cố, tăng cường thêm cái Ngã chấp, Bản Ngã; sinh ra sự chấp trước vào tương đối (Có, Không, cũng Có cũng Không, chẳng Có chẳng Không). Trong Phật Pháp gọi Tri Thức là “Sở Tri chướng” (1), là chướng ngại cho sự giác ngộ, giải thoát. Bản Ngã cũng không nằm ngoài phạm vi của tương đối. Có bản ngã thì có tương đối (vì thấy có Ta thì sẽ thấy có Người, có chủ thể và khách thể…). “Thọ trì Tứ cú kệ” ( lìa có, lìa không, lìa chẳng có chẳng không, lìa cũng có cũng không ) là lìa pháp tương đối cũng là phá Ngã chấp, phá Bản Ngã.
Cúng dường đúng pháp là phải phá Ngã chấp. Nếu như việc đốt liều hay bất kỳ hình thức “lấy thân cúng dường” nào khác xuất phát từ động cơ, mục đích chân chính là “phá, đốt Bản Ngã và Tri Thức” thì hành động lấy thân cúng dường đó phù hợp với bản ý của Phật, Tổ. Còn nếu đốt liều chỉ để tỏ ra mình là hàng Tam Bảo hay tỏ cho người thấy mình thuộc một đẳng cấp nào đó, hoặc tỏ ra mình là Tỳ Kheo đã thọ giới hoặc để tỏ ra mình là Sư thật chẳng phải Sư giả,… phàm tất cả những động cơ, mục đích không phải để phá, đốt Bản Ngã và Tri Thức, ngược lại để phô trương Bản Ngã, tăng cường Tri Thức và Ngã chấp thì đều không chân chánh, không phù hợp lời dạy của Phật Tổ. Nhân duyên bất chính sẽ chiêu cảm quả báo quanh co.
Việc đốt liều hay bất kỳ sự lấy thân cúng dường nào khác vốn có ý nghĩa cao đẹp. Do dụng tâm của người thực hành mà biến sự đốt liều, lấy thân cúng dường thành tốt hay xấu mà thôi.
Tài liệu trích dẫn :
1 ) Yếu chỉ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Hòa thượng Thích Duy Lực
http://thamtosuthien.net/vn/thu-vien/Kinh-Phap-Hoa/Yeu-Chi-Kinh-Dieu-Phap-Lien-Hoa-phan-dau-131.phattrien.net#.XzTpC-j7S01
2 ) Lời dạy của thầy Thích Đạo Hiền
Chú thích :
(1) Hòa thượng Thích Duy Lực giải thích về Sở Tri chướng và Phiền Não chướng
Hỏi:
Thế nào là sở tri chướng và phiền não chướng?
Đáp:
Tất cả do bộ óc nhận thức được gọi là Sở Tri chướng, cho nên Bát Nhã Tâm Kinh nói “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn thức giới cho đến ý thức giới, cho đến vô khổ, tập, diệt, đạo (Tứ Diệu Đế của thừa Thanh văn); cho đến vô vô minh tới lão tử (Thập Nhị Nhân Duyên của thừa Duyên giác); cho đến trí huệ của Bồ tát; cho đến cứu kính Niết bàn, tất cả đều quét”.
Vì do cái biết của bộ óc là Sở Tri chướng làm chướng ngại, nên tự tánh không được hiện ra. Cứ cho bộ óc làm chủ thì ở trong tương đối, có lợi phải có hại; thường hại nhiều hơn lợi. Cho nên, Phật dạy mình phải quét sạch Sở Tri chướng thì chánh biến tri của Phật mới hiện ra.
Phiền Não chướng là tất cả tham sân si, mình ham thích cái gì đều là phiền não chướng; ham thích ăn ngon, mặc đồ đẹp, muốn thỏa mãn dục vọng của mình đều là phiền não chướng.