Doanh nhân theo Phật giáo
Từ hàng ngàn năm trước, với tuệ giác của Đức Thế Tôn, Ngài đã nhận thấy vai trò quan trọng của doanh nhân trong việc phát triển xã hội, nên Ngài đã đưa ra những lời răn dạy rất thiết thực và hữu ích cho giới này trong việc buôn bán.
Trên bước đường hoằng pháp độ sanh của Đức Phật, giáo pháp của Ngài đã được truyền bá và phát triển mạnh mẽ ở những thành phố lớn như Xá-vệ, Vương-xá, Ca-tỳ-la-vệ, Vệ-xá-ly, v.v… Và sử sách Pali cũng ghi rõ lực giáo hóa của Đức Phật ở những nơi này đã ảnh hưởng sâu sắc đến hàng vua chúa và các doanh nhân. Vì vậy, việc hộ đạo của các cư sĩ gương mẫu là vua chúa và doanh nhân nhiệt tình ủng hộ Phật giáo thường được đề cập đến trong các kinh Nikaya. Điển hình như sau khi Đức Phật thành đạo không bao lâu, vua Bình Sa Vương đã xây dựng và dâng cúng Phật tịnh xá Trúc Lâm và nhiều vị vua khác như Ba Tư Nặc, A Xà Thế… cũng đã nhiệt thành hỗ trợ Đức Phật và Tăng chúng.Ngoài ra, sự đóng góp của doanh nhân cho Phật giáo cũng không thua kém gì hàng vua chúa, nổi bật nhất là việc bố thí, cúng dường của Trưởng giả Cấp Cô Độc. Công đức cúng dường lớn lao của vị trưởng giả này được kinh điển thường nhắc đến là ông đã dùng vàng lát cả khu vườn của Thái tử Kỳ Đà để xây dựng tịnh xá Kỳ Hoàn cúng dường Phật.
Những doanh nhân Việt nổi tiếng tín tâm theo đạo Phật
Sau Phật diệt độ, Phật giáo được phát triển và truyền bá sang các nước Á châu. Thực tế cho thấy trên con đường phát triển, Phật giáo đã mở rộng sinh hoạt tại những trung tâm kinh tế, điều này nói lên sự gắn bó của các thương gia bản địa với Phật giáo. Bên cạnh đoàn truyền giáo do vua A Dục đưa ra nước ngoài, sử sách cũng nhắc đến sự có mặt và hỗ trợ rất lớn của các thương gia trên con đường truyền bá Phật pháp bằng đường thủy và đường bộ. Các thương gia Phật tử thường mời các nhà truyền giáo cùng đi trên thương thuyền, vì họ tin tưởng mãnh liệt vào đạo lực tu chứng của các bậc chân tu sẽ giúp cho thương thuyền của họ được thuận buồm xuôi gió, cập bến an toàn và mua may bán đắt ở những vùng buôn bán trù phú. Trên con đường bộ cũng vậy, thương nhân tin rằng mọi sự may mắn sẽ chào đón họ, nếu có các vị cao tăng đồng hành trong đoàn thương buôn. Kết hợp niềm tin sâu sắc và việc hộ đạo như vậy, các thương thuyền của doanh nhân Phật tử đã đưa các tu sĩ Phật giáo đến hoằng pháp ở các nước Á châu như Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn quốc và một số nước Trung Á.
Từ hàng ngàn năm trước, với tuệ giác của Đức Thế Tôn, Ngài đã nhận thấy vai trò quan trọng của doanh nhân trong việc phát triển xã hội, nên Ngài đã đưa ra những lời răn dạy rất thiết thực và hữu ích cho giới này trong việc buôn bán. Theo Phật, một doanh nhân phải làm ăn chân chính để đem lại đời sống vật chất đầy đủ cho gia đình và đóng góp vào sự thịnh vượng cho xã hội. Ngoài ra, họ phải biết phân biệt phải trái, thiện ác, họa phúc. Vì vậy, để làm giàu một cách chân chính, doanh nhân cần phải tuân thủ pháp luật, thể hiện các nguyên tắc đạo đức mà điển hình là đức tính chân thật, quảng cáo hàng mẫu như thế nào thì hàng bán ra phải có chất lượng đúng tiêu chuẩn như vậy, hay tốt hơn mới giữ được uy tín của mình và con cháu sau này. Có thể khẳng định rằng kinh doanh theo Phật giáo không chỉ nghĩ đến hiện tại mà còn nghĩ đến lợi ích lâu dài cho những thế hệ kế tiếp, cho nên không bao giờ được phép lừa dối, hay khai thác bừa bãi. Ngoài ra, doanh nhân Phật tử phải biết chia sẻ những thành quả gặt hái được với những người đồng sự và giúp đỡ những người kém may mắn cũng như đóng góp những lợi ích cho an sinh xã hội.
Ngày nay trong bối cảnh đầy biến động về thị trường, giá cả, cạnh tranh khốc liệt thường được diễn tả rằng thương trường là chiến trường, thế giới mới gióng lên hồi chuông báo động đỏ đối với các loại tội phạm kinh tế. Trong khi Đức Thế Tôn từ hàng ngàn năm trước, với tầm nhìn sáng suốt hoàn hảo, Ngài đã răn dạy cư sĩ Phật tử không được phạm các tội cực kỳ nguy hiểm, đó là không được buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc. (Tăng chi bộ II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 646).
Thiết nghĩ là doanh nhân Phật tử sống theo tinh thần Phật dạy, đạo đức kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, ngoài chữ Tín, hoạt động kinh doanh không bóc lột sức lao động của người khác, không vì gia tăng lợi nhuận của cá nhân mà làm thiệt hại nhu cầu cơ bản của người khác, không tham gia vào năm loại kinh doanh phi pháp vừa kể trên và không phá hủy môi trường sinh thái.
Ngày nay, loài người đang sống trong thời đại văn minh tột đỉnh, nhưng việc làm ăn bất chính của các tập đoàn đã và đang gây ra nhiều điều nguy hiểm làm tổn hại nhiều người ở nhiều lãnh vực và gây bất an cho xã hội. Vì vậy, sự hiện hữu của nhiều doanh nhân sống theo tinh thần Phật dạy là vô cùng cần thiết và là động lực tốt đẹp chẳng những cho sự phát triển đạo pháp mà còn giúp cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp cho xã hội được an bình và phát triển bền vững lâu dài.