NHỮNG VẤN NẠN XÃ HỘI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG & PHƯƠNG PHÁP HÓA GIẢI - Thích Trí Giải
BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG & PHƯƠNG PHÁP HÓA GIẢI
A. Lời nói đầu:
Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường rất nghiêm trọng các nước trên thế giới như: Australia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặt biệt đáng quan tâm nhất là xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây. Bạo lực giữa các học sinh trong trường, học sinh tấn công thầy cô giáo, kể cả những em nữ giới, điều này chứng tỏ nền đạo đức đang xuống cấp một cách nghiêm trọng cần đáng quan tâm và khắc phục.
Nhưng hiện nay nhà trường, các phụ huynh học sinh vẫn chưa có một biện pháp cụ thể nào để khắc phục hậu quả nghiêm trọng này. Nhiều phụ huynh học sinh phải gắng nhịn chịu đựng, vì không muốn con mình bị trả thù. Có một số em học sinh bị đánh hội đồng không dám kể bất kỳ với ai, khi bị bạn bè đánh, vì sợ bị đánh nhiều hơn. Nhà trường không thể làm gì được hơn, không thể đuổi học sinh vì nhà nước luôn có chính sách xóa nạn mù chữ.
Vậy chúng ta chẳng lẽ ngồi nhìn thấy đạo đức con em của mình ngày càng đi xuống, đánh đập lẫn nhau trong nhà trường, học sinh đánh thầy cô giáo. Cho nên chúng ta cần tìm ra nguyên nhân của nó, và tìm ra những phương pháp đễ dàng nhất để khắc phục vấn đề này. Tôi xin nêu vài nguyên nhân căn bản dẫn đến bạo lực học đường, và vài phương pháp khắc phục hậu quả nghiêm trọng này.
B. Những nguyên nhân căn bản bạo lực học đường.
1. Xuất phát từ môi trường gia đình,
Cha mẹ có những hành đồng biểu hiện bạo lực với con em, cha mẹ dạy con bằng cách chửi bới, đánh đập bằng những đòn roi vọt, văng lời thô tục, tình trạng nghiện rượu của người cha hay đánh đập vợ con, mối bất hòa giữa vợ chồng sinh ra sự xung đột kình cãi to tiếng, văng tục, đánh đập xảy ra hằng ngày, làm ảnh đến tâm lý các em nhỏ.
Tất cả những thứ đó làm tăng thêm nguy cơ hung hăng ở trẻ em và ở tuổi vị thành niên mới lớn. Lý thuyết kiểm soát của Hirschi (1969) ông đưa ra quan diểm rằng;
“Những trẻ em có những mối quan hệ với cha mẹ không chặt chẽ, thiếu quản lý đến đời sống con cái, làm cho các em tham gia vào các hoạt động lỗi lầm trong xã hội ở trong và ngoài nhà trường”
2. Xuất phát từ môi trường lân cận.
Môi trường lân cận cũng góp phần vào vấn đề bạo lực học đường, các tội phạm ma túy càng cao dạy các em lao vào con đường nghiện ngập, hút chích dẫn đến các em bạo lực học đường. Những em mới lớn lên tiếp xúc với những người bạn hư hỏng là một nguy cơ yếu tố bạo lực học đường càng tăng.
Những em tuổi vị thành niên tiếp xúc môi trường xã hội trong một cộng đồng đầy bạo lực, làm cho các em ảnh hưởng theo.
Các băng nhóm xã hội đen trong xã hội thường hành động với những tính chất hung hăng, chém giết thanh toán lẫn nhau, từ đó các em đưa bạo lực từ bên ngoài vào học đường.
3. Xuất phát từ phương tiện truyền thông.
Các em ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông, phim ảnh, internet. Các em tuổi còn nhỏ xem những bộ phim hành động xã hội, băng đảng thanh toán, chém giết lẫn nhau, những bộ phim tội phạm giết người máu lạnh, bắt cóc con tin tống tiền, xem những bộ phim đồi trụy. Sau đó các em bắt chước theo việc làm người lớn, dẫn đến hiếp dâm trẻ em, làm cho các em đi vào con đường lao lý.
Game online những trò chơi điện tử như: Đua xe, bắn súng, võ lâm truyền kỳ….những trò chơi mang tính chất hành động không được lành mạnh. Dẫn đến các em mất thời gian bỏ học hành, những trò chơi bạo lực đó hằng ngày in sâu vào tâm hồn ngây thơ của các em. Sau đó sinh ra bạo động,
Theo như duy thức học Phật giáo cho rằng khi lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc pháp). Tức là hằng ngày sáu căn của các em tiếp xúc môi trường xung quanh, rồi sau đó sinh ra lục thức. Nó phân biệt chủng tử nào thiện (việc làm thiện), chủng tử nào ác (việc bất thiện). Sau đó, đưa vào A-lại-da-thức (hay còn gọi là tạng thức). Sau đó nó biến hiện ra, khi gặp hoành cảnh tốt, tâm thiện phát sinh, khi gặp hoàn cảnh xấu xa, tâm bất thiện sinh khởi.
Bởi vậy hằng ngày các em tiếp xúc môi trường xung quanh toàn những chủng tử bất thiện từ môi trường gia đình, bạn bè, xã hội, phương tiện truyền thông dẫn đến bạo lực học đường.
4. Xuất phát từ môi trường giáo dục nhà trường.
Những người lãnh đạo ngành giáo dục không đi đúng hướng với những phương pháp giảng dạy không thích hợp. Không quản lý chặt chẽ cấp dưới, như Hiệu trưởng, đội ngũ giảng viên, dẫn đến trình trạng chạy điểm, hối lộ gia đình con em, mất tính công bằng trong giáo dục, đạo đức giáo viên xuống cấp, mất tư cách người giáo viên, trò đi nhậu với thầy, không phân biệt thứ lớp.
Những người điều hành ngành giáo dục không đưa các em đi đúng quỹ đạo. Hiệu trưởng thì mất tư các đạo đức không gương mẫu mua dâm tuổi vị thành niên, đưa các em vào con đường tội lỗi (điển hình như Ông Sầm Đức Xương), giáo viên thì mất tính công bằng trong quá trình giảng dạy, con em nhà giàu thì được chiếu cố, con em nhà nghèo thì không được quan tâm, tạo nên sự ức chế trong tâm các em, một ngày nào đó “tức nước lở bờ” học sinh đánh thầy cô giáo.
Hơn nữa hiện nay có rất nhiều thầy cô giáo mất tư cách đạo đức nghề nghiệp, nhận hối lộ chạy điểm…..khi quá trình dạy đứng trên bục giảng, bực tức văng tục trước học sinh, làm cho các em xem thường tư cách của một nhà giáo.
Áp dụng học phí quá cao đối với đất nước nghèo còn lạc hậu. Nhất là đối với những vùng nông thôn, những gia đình nghèo không đủ điều kiện con em ăn học. Dẫn đến các em thất học thiếu sự hiểu biết, thiếu giáo dục đạo đức con em. Kéo theo trình trạng phạm pháp, bạo lực trong xã hội.
Quá trình bộ máy điều hành giáo dục mất công bằng cho các em, sau khi tốt nghiệp đại học ra trường phải có tiền lo chạy, hối lộ mới có công ăn việc làm, có tiền thì được làm việc ở thành phố, thị xã. Không có tiền hối lộ thì bị điều động đi lên vùng sâu vùng xa để làm việc. Dẫn đến trình trạng chán nản trong đầu óc các sinh viên. Những điều đó sinh viên không dám nói ra, vì một bên chạy tiền, một bên hối lộ, hơn nữa sợ mất việc làm, thì uổng bốn năm học bỏ biết bao tài sản, mồ hôi công sức để mua trí tuệ.
Giáo dục không quản lý chặt chẽ học sinh, nhất là các sinh viên Đại học, sau khi vào đại học phải thuê nhà ở ngoài đến trường học. Không có gia đình, nhà trường quản lý. Các em không thể nào tự ý thức cho bản thân, dẫn đến nhiều tệ nạn cho xã hội. Dẫn đến những sinh viên nghèo không tiền đóng học phí, ban ngày đi học tối lại đi cướp để có tiền ăn học. Trình trạng góp gạo thổi cơm chung dẫn đến trình trang tệ nạn, yêu đương ghen tuông chém giết lẫn nhau, trình trạng ăn cơm trước kẻng, phá thai…làm cho xã hội mất nhân bản và bất an.
Tất cả những vấn đề đó là nguyên nhân chính yếu dẫn đến bạo lực học đường trong xã hội hiện nay. Vậy chúng ta cần phải có những biện pháp nào để khắc phục những trình trạng trên đưa các em đi đúng quỹ đạo của đạo đức, đem lại cho xã hội tốt đẹp và văn minh.
C. Những phương pháp khắc phục hậu quả bạo lực học đường
a. Kắc phục ở môi trường gia đình.
Cha mẹ phải quản lý chặt chẽ các con em của mình, và chấm dứt vấn đề bạo hành trong gia đình, dạy dỗ con em bằng những lời khuyên nhủ, không nên đánh đập, văng tục trước mặt con cái.
Cha mẹ phải là tấm gương cho con cái. Không có mối bất đồng giữa vợ chồng trước mặt con cái. Hướng dẫn con em đến với niềm tin tôn giáo để giúp tâm linh của các em luôn được hướng thiện. Một khi các em có niềm tin vững mạnh thì không bao giờ đi vào con đường lao lý.
b. Khắc phục ở nhà trường.
Thầy cô luôn là tấm gương sáng cho các em học sinh, đối xử công bằng không có sự phân biệt sự giàu nghèo. Dạy các em với tinh thần vô cầu lợi, chỉ nghĩ đến đào tạo kiến thức, đạo đức cho thế hệ trẻ mau sau góp phần phát triển xã hội.
Những người lãnh đạo ngành giáo dục phải quản lý chặt chẽ các thầy hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên, về vấn đề hối lộ chạy điểm, và nhà trường luôn tạo điều kiện tốt đẹp cho các em được đến trường. Như hình thức giảm học phí cho những em học sinh nghèo, cần có những học bổng thi đua trong quá trình học tập, tuyên dương những học sinh có tấm gương đạo đức tốt để làm gương cho các em khác noi theo.
Ở cấp tiểu học trong quá trình dạy cần đưa vào những mẫu chuyện hiếu thảo, những tấm gương của những bậc tiền nhân. Để giúp các em trong quá trình ứng xử tốt, không được chia rẽ bạn bè trong nhà trường. Ở cấp bậc đại học, nhà trường cần quan tâm hơn như việc xây dựng ký túc xá ở mỗi trường đại học, để đầy đủ tiện nghi cho các em an tâm học hành, và dễ dàng quản lý các em. Giảm lệ phí ký túc xá cho các em thuộc diện gia đình nghèo, để các em có điều kiện học tập sau này ra đi làm để xóa đói giảm nghèo, phục vụ quốc gia.
Giáo dục đạo đức các em tức là xây nền móng đạo đức vững chắc cho xã hội trong tương lai. Dân giàu thì nước mới mạnh, đạo đức không xuống cấp thì xã hội mới được bình an…
c. Áp dụng giáo lý Phật giáo vào đời sống tâm linh của các em.
Ngoài việc giảng dạy chữ nghĩa ra, nhà trường cần phải dạy các em con đường đạo đức: “tiên học lễ, hậu học văn”. Bằng cách đưa vào nhà trường những bài học hiếu thảo đối với cha mẹ, biết kính trọng thầy cô giáo, và cần hun đúc cho tâm linh các em bằng những phương pháp giáo dục tôn giáo, đánh thức thiện tâm của các em. Ví dụ: Nhà trường thỉnh thoảng mời những vị thầy tu sĩ đến thuyết giảng những tâm lý đạo đức cho các em ở học đường biết đó hành theo, tránh xa bạo lực học đường.
Như tinh thần Từ bi, bất bạo động,
Để các em biết thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau, diệt trừ những mối thù hận riêng tư, trong mối quan hệ bạn bè…
“Hận thù diệt hận thù Đời này không có được, Không hận diệt hận thù, Là định luật ngàn thu” (pc 5 phẩm song yếu)Hoặc
"Nó mắng tôi, đánh tôi,Nó thắng tôi, cướp tôi" Ai ôm niềm hận ấy Hận còn mãi khôn nguôi (pc:3) "Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi" Không ôm hiềm hận ấy
Hận thừ tự nhiên nguôi (pc: 4)
Áp dụng năm giới căn bản đạo đức của Phật giáo vào học đường
- Không được sát sinh: Giúp các em tránh xa con đường phạm pháp giết người. Giúp cho các em tránh xa bao lực học đường, biết yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
- Không được trộm cướp: Giúp cho các em tránh xa con đường trộm cướp, phạm pháp tù tội
- Không được tà dâm: Giúp các em không bị vấn đề hiếp dâm hay là ăn cơm trước kẻng…
- Không được nói dối: Giúp các em không có sự chia rẽ, hiềm khích đánh đập lẫn nhau. Các em biết tôn trọng nhau, và giúp cho các em ăn nói khiêm cung lễ phép với những bậc trưởng thượng.
- Không được uống rượu: giúp cho các em tránh xa con đường nghiện ngập ăn chơi xa đọa, mất lý trí, phạm những tội lỗi khác. Để khỏi đánh mất đạo đức của môt học sinh nhân cách làm người
Áp dụng tinh thần lục hòa vào học đường
1. Thân hòa đồng trụ: Giúp các em hiểu rằng mỗi bản thân các em học sinh khác biệt nhau trong huyết thống cha mẹ sinh ra. Nhưng cùng sống trong một xã hội, học chung một ngôi trường, bỏ đi những tính chất cá nhân để quay về một đoàn thể sống hòa hợp biết yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau như trong một gia đình sống đoàn kết. Biết hy sinh bản thân nghĩ đến lợi ích cho gia đình, nhà trường, xã hội. Như đức Phật đã dạy rằng: “Không có giai cấp trong cù một dòng máu đỏ, không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn”. Từ đó giúp các em dứt bỏ hiềm khích, phân biệt giàu nghèo, chia rẽ mối quan hệ, đem lại đoàn kết cho nhà trường.
2. Khẩu hòa vô tránh: Giúp các em ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép, không gây tranh cãi, hơn thua. Các em có ý thức trong lời ăn tiếng nói với thầy cô bạn bè, khiêm tốn và thật thà
3. Ý hòa đồng duyệt: Giúp các em biết hòa hợp, để các em sống vui vẻ hoan hỷ tán đồng quan điểm chung. Không gây thù nghịch bất hòa
4. Giới hòa đồng tu: Giúp các em biết tôn trọng quy luật nhà trường đề ra, quy tắc học đường vấn đề này rất quan trọng đối với học đường. Đối với xã hội,“nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”. Nhờ đó các em biết giữ gìn quy tắc nhà trường đề ra, tránh bạo lực trong học đường
5. Kiến hòa đồng giải: Giúp các em chia sẻ kiến thức cho nhau, những học sinh giỏi nghe hiểu bài, chia sẻ sự hiểu biết đó lại cho bạn bè chưa hiểu, để cân bằng kiến thức giữa các em học sinh, tạo điều kiện dễ dàng cho giáo viên giảng bài, không có sự chênh lệch kiến thức quá nhiều đối với các em học sinh.
6. Lời hòa đồng quân: Điều này rất quan trọng ở trong một gia đình, xã hội mất công bằng dễ sinh ra vấn đề bạo độn
Áp dụng giáo lý nhân quả của đạo Phật vào giảng dạy ở học đường:
Giúp các em hiểu rõ được quy luật nhân quả, khi các em thấy rõ hậu quả thì không bao giờ dám gieo nhân xấu. từ đó chấm dứt bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Đạo Phật có dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, một khi các em thấy hậu quả to tác sau khi bạo lực, ví dụ như dẫn đến tử vong, bị đuổi học, ảnh hưởng đến cha mẹ, hoặc bị tù tội…các em không dám hành động.
Trách nhiệm quốc gia: Những vị lãnh đạo quốc gia cần phải quan tâm đến nền giáo dục, xây dựng cơ sở trường học, ký túc xá, cấp học bổng cho sinh viên nghèo, học sinh giỏi. Để khuyến khích các em học, giảm học phí cho những sinh viên nghèo, những em bị tàn tật, để giúp các em có điều kiện ăn học, không bị mù chữ.
Xây đựng đạo đức con em, chính là xây dựng nền đạo đức cho xã hội, đem lại sự công bằng văn minh, tốt đẹp cho quốc gia. Có như vậy các vị lãnh đạo quốc gia không còn quan tâm đến vấn đề tệ nạn xã hội xảy xa, để tâm vào vấn đề phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên, dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh tốt đẹp.
D. Kết luận.
Qua sự trình bày trên Tôi thấy những vấn đề khắc phục bạo lực học đường rất đơn giản và các em dễ dàng thực hành. Nếu chúng ta thử áp dụng những phương pháp này vào học đường, tôi tin chắc rằng nó sẽ đem lại hiệu quả cao cho các em. Học tập tốt, đạo đức tốt, chấm dứt bạo lực học đường, có hiếu thảo với cha mẹ, làm cho xã hội văn minh tốt đẹp.
Những phương pháp áp dụng này rất thực tế trong cuộc sống hằng ngày. Không phải là một thứ gì đó mang tính chất phù phiếm, khó dạy, khó áp dụng đối với con em của mình.
Thích Trí Giải