Bài phát biểu của chuyên gia, Tiến sĩ Park Weonmo (ICHCAP)

Kính chào các quý vị. 

Tôi là Park Won-mo, Trưởng phòng Nghiên cứu và Thông tin thuộc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ICHCAP) do Hàn Quốc thành lập dưới sự bảo trợ của UNESCO. Chúng tôi vô cùng hoan nghênh sự hiện diện của toàn thể các quý vị tham dự Chương trình giao lưu văn hóa với chủ đề Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Nghi lễ Seoul Saenamgut của Hàn Quốc. Đặc biệt tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, bà Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, bà PGS.TS Nguyễn Thị Yên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam (Trung tâm), Ông Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam. Đồng thời, thay mặt cho toàn bộ thành viên Hội bảo tồn Seoul Saenamgut, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bà Nguyễn Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm và cộng đồng đã nỗ lực hết mình để chương trình giao lưu diễn ra được tốt đẹp.

Hoạt động giao lưu giữa Saenamgut Hàn Quốc và Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam từng được tổ chức lần đầu tại Hà Nội, Việt Nam vào năm 2009, ngoài ra hai bên cũng đã tổ chức thêm 4 chương trình giao lưu khác tại Hàn Quốc và Việt Nam từ đó đến nay. Đặc biệt, năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong những năm gần đây, chúng ta đã gặp không ít khó khăn; có thể kể đến dịch bệnh Covid-19 gây đình trệ các hoạt động giao lưu hai bên, cùng mất mát to lớn vì sự ra đi của Cố Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. GS.TS Ngô Đức Thịnh, một người dành nhiều tâm huyết cho công tác bảo tồn Tín ngưỡng Thờ mẫu Tam Phủ của Việt Nam. Tôi cùng Hội bảo tồn Seoul Saenamgut xin cầu chúc linh hồn Cố giám đốc được an nghỉ nơi cực lạc. Hội Bảo tồn Seoul Saenamgut và Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam – hai tổ chức bảo tồn Đạo Mẫu của Hàn Quốc và Việt Nam đã cùng vượt qua tất cả những khó khăn đó để tụ họp lại với nhau tại đây ngày hôm nay. Và để củng cố lại mối quan hệ trước đây, chúng tôi xin tổ chức thực hành nghi lễ hầu Thánh của hai nước tai không gian linh thiêng của ngôi đền này. Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các quý vị.

Seoul Saenamgut là một nghi lễ của khu vực Seoul Hàn Quốc, được thực hiện nhằm an ủi linh hồn người chết và dẫn họ đến một thế giới tốt đẹp hơn. Nghi lễ Saenamgut gồm hai phần: 'Andang Sagyeongmaji' và 'Saenamgut'. ‘Andangsagyeongmaji’ được thực hiện trước khi diễn ra Saenamgut, từ buổi đêm cho đến sáng sớm ngày hôm sau, chủ yếu để cầu bình an cho người sống. Lễ Saenamgut bắt đầu vào sáng hôm sau và kéo dài lâu hơn vì đây là nghi lễ dẫn dắt người chết sang thế giới bên kia. Trong buổi giao lưu văn hóa tại Việt Nam lần này, ‘Andang Sagyeongmaji’ được thực hiện vào ngày đầu tiên và ‘Saenamgut’ được diễn ra vào ngày thứ hai. Đương nhiên nếu thực hiện đầy đủ thì nghi lễ sẽ kéo dài hơn 12 tiếng, nhưng chúng tôi sẽ chỉ thực hiện các nội dung chính với thời lượng một tiếng mỗi phần mỗi ngày dưới hình thức giới thiệu di sản văn hoá của Hàn Quốc.

Trong buổi thực hành ngày đầu tiên, thanh đồng Yoo Hyo-suk sẽ thực hiện nghi lễ thanh tẩy địa điểm tế lễ. Thanh đồng Lee Hwa-jeong thực hiện nghi lễ thỉnh thần Gamang-sin, một trong những vị thần tổ của thanh đồng tại Hàn Quốc. Thanh đồng Jang Myeong- sang thực hiện nghi lễ thỉnh linh hồn của tướng quân Choi Yeong, một vị trung thần chết oan uổng cuối triều đại Goryeo. Thanh đồng Park Eun-ah thực hiện nghi lễ thỉnh linh hồn của cụ tổ nghề văn nghệ-nghệ thuật – Changbu-ssi.

Trong buổi thực hành ngày thứ hai, thanh đồng Lee Hwa-jeong thực hiện nghi lễ Jungdibatsan ca ngợi sự huyền bí và vĩ đại của Diêm Vương cai trị địa phủ. Thanh đồng Yoo Hyo-suk thực hiện nghi lễ chế giễu Tử thần. Thanh đồng Lee Sook-ja mặc trang phục lộng lẫy của công chúa ngày xưa và hát bài hát của Công chúa Bari, người vốn được coi là cụ tổ của thanh đồng tại Hàn Quốc. Thanh đồng Jo Chun-hee hóa trang thành công chúa, đi vòng quanh cổng địa phủ phía trước Yeonjidang, nơi ở của Bồ tát Địa Tạng, sau đó nói chuyện với Sứ giả và đi qua cổng. Thanh đồng Park Ja-won dùng thân người xé dải vải bông và dải vải lanh, tượng trưng cho cây cầu dương gian và cây cầu địa phủ nhằm dọn đường dẫn người chết sang thế giới bên kia. Thanh đồng Yoo Hyo-suk và Lee Sook-ja sẽ tuyên bố rằng các thanh đồng đã dành hết lòng thành để cúng tế tất cả linh hồn đã đến Saenamgut; sau đó từng thanh đồng sẽ thực hiện nghi lễ sau cùng nhằm mời các thần linh, linh hồn thụ hưởng lễ tế.

Dù có thể các quý vị không hiểu được ngôn ngữ của các thanh đồng Hàn Quốc nhưng tôi mong rằng chúng ta sẽ có những khoảnh khắc đồng điệu tâm hồn khi xem nghi lễ Saenamgut. Xin chân thành cảm ơn!