Phái đoàn Ban Hoằng Pháp TW và Ban Kinh tế tài chính TW GHPGVN thăm Hạ trường tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 28/7/2024, phái đoàn Ban Hoằng pháp TW và Ban Kinh tế tài chính TW GHPGVN đã đến Trường hạ Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh để thăm hỏi động viên hành giả an cư đang tu học tại đây.

Tại Hạ trường, phái đoàn đã cúng dường tịnh tài cùng với những vật phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, bình siêu tốc, nước kiềm, gia vị, sữa….

Dẫn đầu phái đoàn Ban Hoằng pháp TW và Ban Kinh tế tài chính TW GHPGVN là Hòa thượng Thích Huệ Phước – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Minh Nhẫn – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó chánh VP2 TW GHPGVN, Phó trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Chúc Tiếp – Phó Ban Hoằng pháp TW cùng chư Tôn đức thành viên Ban Hoằng pháp TW và Ban Kinh tế tài chính TW.

Trân trọng đón tiếp phái đoàn là Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, Đường chủ Hạ trường, cùng chư Tôn đức Tăng Ni hành giả an cư.

                

Chư tôn đức ban Hoằng pháp và ban Kinh tế – Tài chính TƯ GHPGVN tác bạch cúng dàng

  

Tại Hạ trường Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh, gần 1000 Phật tử đã nô nức tập trung về cung đón chư Tôn đức hai ban. Đại diện cho BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã giới thiệu sơ lược với chư Tôn đức Ban Hoằng pháp và Ban kinh tế tài chính TW GHPGVN về tình hình an cư kiết hạ, tu học của Tăng Ni tỉnh nhà. Theo đó, Phật giáo Hà Tĩnh có 115 hành giả tại 3 điểm an cư. Trường hạ Trung tâm Văn hoá Phật giáo tỉnh dành cho Chư tăng, Trường hạ chùa Cảm Sơn (phường Đại Nài, Tp Hà Tĩnh) dành cho Chư ni và điểm Trường hạ Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân).

Được biết, Khóa an cư kiết hạ năm nay Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh được sự chứng minh của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – ngôi Đường chủ ba hạ trường. Cung an chức sự Hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh, Chánh Duy na là Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn; Phó Duy na là TT. Thích Chánh Thành; TT. Thích Thiện Nhơn.

Về thời khóa tu học trong mùa an cư, tụng kinh, niệm Phật, quá đường, học Tiểu trường và bộ luận “Truy Môn Cảnh Huấn” được lấy làm chủ đạo trong các thời khóa cũng như Tam tạng thánh giáo. Bên cạnh đó ban chức sự hạ trường phân công cung thỉnh Chư tôn đức Tăng và Ni luân phiên, chia sẻ trải nghiệm tu tập, truyền trao kiến thức Phật pháp đến hành giả.

    

Ban đạo từ chia sẻ tại buổi gặp mặt với Tăng Ni Phật tử Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh, Hòa thượng Thích Huệ Phước bày tỏ niềm hoan hỷ khi thấy sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo tỉnh nhà kể từ khi thành lập tới nay. Đặc biệt từ khi khánh thành Trung tâm văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh. Điều đó cho thấy hướng đi rất rõ nét và đem lại niềm vui cho Tăng Ni Phật tử không những trong tỉnh nhà mà cả nước cũng như hải ngoại.

Đặc biệt, Hòa thượng vô cùng xúc động khi trong lần trở lại này, thấy Tăng Ni và Phật tử đều phát triển về cả số lượng cũng như chất lượng tu học. Đây chính là niềm vui trong tứ chúng đồng tu, niềm vui lục hòa của những người con Phật đối với đạo.

Nhân đây, Hòa thượng Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW cũng có đôi lời chia sẻ với Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà, về duyên lành của mỗi người con Phật nơi đây, khi được sinh ra, lớn lên và tu học trong mảnh đất của nhiều danh nhân, nhiều anh hùng cùng nhiều vị Tổ sư tiền bối. Hơn nữa, trong hiện tại, Hòa thượng Trưởng BTS vừa là lãnh đạo Tăng Ni Phật tử tại tỉnh nhà, đồng thời cũng trong vai trò lãnh đạo của TW Giáo hội. Đặc biệt phụ trách một ngành rất quan trọng, đó là ngành hoằng pháp, là nhiệm vụ không chỉ dành cho riêng ai.

Với Tăng Ni hành giả an cư, Hòa thượng nhấn mạnh “Dù là Hòa thượng hay Thượng tọa, Đại đức, chúng ta có cùng điểm xuất phát chung đó là năm đức của người xuất gia. Chúng ta vì tha thiết với Đạo pháp mà đến, cho nên ta cần hủy bỏ những trang sức đẹp đẽ nhất của cuộc đời, để trang bị cho mình một chiếc áo giải thoát và một tấm y phúc điền. Bởi lẽ đó tâm hướng về đạo của chúng ta không bao giờ lay chuyển, hay thoái chí. Người tu sỹ mặc chiếc áo trong chùa, đắp chiếc y phúc điền thì làm thế nào để mỗi ngày trôi qua ta cần bớt đi tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, vô minh. Đó là chiếc áo giải thoát”.

Mảnh y phúc điền mang hình tượng như những mảnh ruộng, mà người nông dân nhờ ruộng mà cày cấy để có những vụ mùa bội thu, đem lại lương thực, cuộc sống cho nhân sinh. Người nông dân cần biết khéo cày bừa, biết gieo hạt đúng thời, biết dẫn thủy nhập điền (tức là đưa nước vào ruộng hoặc là đưa nước ra khỏi ruộng đúng lúc, đúng thời). Còn đối với người xuất gia, Đức Phật cũng dạy phải có 3 việc làm cần thiết giống như người nông dân, đó là: Thọ trì tăng trưởng về giới học, Thọ trì tăng trưởng về tâm học, Thọ trì tăng trưởng về tuệ học. Đây là lộ trình về Giới, Định, Tuệ mà bất cứ người nào là đệ tử của Đức Phật đều phải đi qua. Chúng ta không đi con đường này thì không phải là người đệ tử của Đức Phật.

Điều tiếp theo Hòa thượng nhấn mạnh trong năm đức của người xuất gia, có cắt ái từ thân. Cần hiểu rằng đây là từ bỏ người thân gần nhất đó là cha mẹ, người thân trong gia đình, làng xóm, cộng đồng để chúng ta nhận một đại gia đình lớn hơn đó là chúng sinh. Cho nên, chúng sinh có thể là cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp, anh chị em, nội ngoại của chúng ta, giống như dân tộc Việt Nam. Đại gia đình của ta đó là con rồng cháu tiên. Mặc dù mỗi người tên khác nhau, họ khác nhau nhưng chúng ta cùng một cha là Lạc Long Quân, một mẹ là Âu Cơ theo truyền sử của Việt Nam. Như vậy, nghĩa là chúng ta trải lòng với tất cả mọi người để hoàn toàn không có một tâm ý phân biệt, hẹp hòi, ích kỷ ở nơi người xuất gia.

Điều thứ 4, Hòa thượng sách tấn Tăng Ni nhớ rằng đạo Phật là Bậc tối cao, là thiêng liêng, là Bậc giác ngộ hoàn toàn. Người tu sỹ sẵn sàng hy sinh tấm thân của mình vì đạo. Cần hết lòng hy sinh, cống hiến và phụng sự qua những hoạt động Phật sự hàng ngày.

Điểm thứ 5 Hòa thượng chia sẻ, người xuất gia vì cầu đại thừa để cứu độ chúng sinh. Nếu không bằng tinh thần đại thừa, nếu không bằng tinh thần đại đồng sống với tất cả muôn loài chúng sinh thì người xuất gia khó thực hiện được tâm nguyện thứ 5 này. Đây là Đức tính cao quý vô cùng, đòi hỏi người tu sỹ cần phải vận dụng trí tuệ để tìm ra nhiều phương tiện. Tùy phương tiện, tùy căn cơ, tùy đối tượng, tùy lúc, tùy thời để cứu độ muôn loài chúng sinh. Đạo Phật hoàn toàn không có kẻ thù, vì vậy người con Phật phải ôm ấp, thương yêu với tinh thần từ bi, trí tuệ sáng soi tình người của Đức Phật, để cùng nhau dắt dần đi vào biển Niết bàn, an lạc của chư Phật.

Qua tấm gương những bậc Tôn túc đã quên đi cả sức khỏe, quên đi cả tuổi thọ của mình để lăn xả cống hiến vì ngôi nhà chung GHPGVN, thực hiện đúng tinh thần sứ giả của Như Lai. Sau cùng, Hòa thượng mong chư Tôn đức hành giả an cư “trong 3 tháng an cư này trau dồi Giới Định Tuệ, thúc liễm thân tâm. Đây là cơ hội để người tu sỹ nhìn lại thật rõ về bản thân mình, về việc làm, về tâm nguyện của người đệ tử Đức Phật. Người xuất gia phải cố gắng dứt sạch phiền não, sống vì muôn loài chúng sinh, sống vì đạo, dốc lòng thực hành trong công tác Phật sự làm thế nào để cho ngôi nhà Phật pháp, cho chính pháp trường tồn đem lại lợi ích cho chúng sinh”.

Với Phật tử tại gia, Hòa thượng Thích Huệ Phước mong đại chúng hãy thấy vui mừng khi có những bậc thầy biết dành thời gian để tu tập, rèn luyện đạo lực của mình qua tụng kinh, bái sám, hành thiền, việc Phật sự có ích cho xã hội. Hòa thượng chia sẻ “Phật tử có quyền nhìn vào những vị này, nếu không biết trau dồi Giới Định Tuệ thì chúng ta không phải dễ gần gũi đâu. Tại vì gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, chọn bạn mà chơi, cái đó là điều ai cũng nhận thức được. Cho nên 3 tháng an cư của chư Tăng là thời điểm mà hàng cư sĩ Phật tử của chúng ta cần gần gũi hơn nữa để hộ trì trong vấn đề tu học, gần gũi hơn nữa để học hỏi những đức tính, những đức hạnh, những phát triển tốt đẹp từ vị thầy của mình. Cho nên, ngoài những phòng hộ về điều kiện vật chất thì người cư sĩ Phật tử cần phải tu tập theo đối với vị thầy của mình. Như vậy, cũng có nghĩa là các vị đang song song cùng với vai trò sứ giả của Như Lai. Khi các vị đến học Phật pháp, thì chư tôn đức Tăng Ni chỉ hướng dẫn các vị tiếp nhận lời Phật dạy đúng chính pháp. Người Phật tử từ đó sẽ biết chuyển hóa thân tâm, từ đó cảm hóa những người xung quanh, đó chính là hoằng pháp. Vì vậy, vai trò cư sĩ rất quan trọng, vừa ủng hộ cho chư Tăng Ni tu tập an cư, vừa phát huy hơn nữa, tăng trưởng hơn nữa về phúc đức và trí tuệ trong con đường tu học, học đạo, hộ đạo và hành đạo của người cư sĩ Phật giáo”.

Khép lại lời đạo từ, Hòa thượng chia sẻ về 4 loại thức ăn mà trong Kinh Đức Phật dạy. Trong đó, qua đó nhấn mạnh “có những thức ăn nuôi lớn thân, nhưng cũng có những thức ăn kích hoạt tâm của chúng ta. Người tu phải biết thức ăn nào có hại cho thân thể, sinh ra bệnh hoạn thì không ăn và ngược lại. Đó là sự sáng suốt của người tu. Nhưng cũng có những loại thức ăn kích thích rất lớn tâm của người tu, vì vậy, khi ăn cần hết sức tỉnh táo, hết sức sáng suốt, coi cảm xúc đó đưa đến phấn khởi trong vấn đề tu tập, đạo lực của mình hay làm cho con người của chúng ta lao vào trong tội ác để đón lấy những quả báo khổ đau đọa đày, là nước mắt, là đường xấu cho hình ảnh của chư Tăng cũng như đệ tử của Đức Phật”.

Lời đạo từ ý nghĩa của Hòa thượng đã khép lại buổi gặp mặt tràn đầy tình đạo vị của Hai ban với Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh.

         

Diệu Tường